CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:44

Doanh nghiệp nữ còn chịu nhiều rào cản

Doanh nghiệp nữ tạo ra hơn 1,6 triệu việc làm cho lao động

Theo Tổng cục Thống kê, 25% trong số 373.162 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam là do các nữ doanh nhân làm chủ. Các doanh nghiệp (DN) này tạo ra 1,63 triệu việc làm. Vì vậy, tiếng nói của phụ nữ là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ doanh nhân làm chủ vẫn còn phải chịu nhiều rào cản, như thiếu kiến thức về quản trị và tài chính, khó tiếp cận các khoản vay, và ít cơ hội tham gia trao đổi thương mại. Ngoài ra, phụ nữ còn phải đối mặt với nhiều rào cản về văn hóa như cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Nghiên cứu về DN vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ của Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HAWASME) cho thấy, các DN do phụ nữ làm chủ sử dụng nhiều lao động, có những đóng góp đáng kể trong nền kinh tế (về bảo hiểm xã hội, thu nhập cho người lao động, nộp ngân sách, tạo việc làm…). Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh của DN do nữ quản lý lại thấp hơn nam giới và tỷ lệ DN do nữ làm chủ có xu hướng giảm dần theo quy mô tăng lên, tức là quy mô càng lớn, thì tỷ lệ nữ làm chủ càng giảm. Cụ thể: Siêu nhỏ là 26,8%, nhỏ là 21,4%, vừa 19,8%, lớn là 13,6%.

Câu lạc bộ Doanh nhân nữ tỉnh Quảng Ninh thăm tặng quà các gia đình phụ nữ nghèo xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên).

Bà Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần Hoa Lan chia sẻ là người lãnh đạo DN, nhưng nhiều khi bà cảm thấy “chạnh lòng” vì những chính sách hỗ trợ cho DN do nữ giới làm chủ chưa nhiều và chưa hiệu quả. Theo bà Đông, hiện DN mở nhiều vùng nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, đặc biệt là nông dân. Khi làm việc với người nông dân, Cty phải trả tiền ngay. Song DN rất khó khăn về nguồn vốn cũng như không nhận được nhiều hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước.

Bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Gia Bảo cũng bày tỏ, phụ nữ khi kinh doanh cực kỳ vất vả, phải quan tâm, chăm sóc gia đình, nên thời gian dành cho công việc rất eo hẹp. Đặc biệt, nhiều lúc muốn học tập trau dồi thêm kiến thức, nhưng không có thời gian. Trong khi đó, theo bà Hồng, việc tiếp cận với các thông tin chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nữ doanh nhân rất hạn chế.

Chính sách nhiều, ưu đãi không được bao nhiêu

Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận, khuyến khích vai trò của phụ nữ thông qua các chính sách hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ và DN sử dụng nhiều lao động nữ. Luật Bình đẳng giới yêu cầu lồng ghép các nội dung bình đẳng giới vào các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ luật Lao động năm 1994, với các lần sửa đổi sau này cùng các văn bản dưới luật, các luật liên quan cũng đã đưa ra những ưu đãi, khuyến khích cho DN sử dụng nhiều lao động nữ. Đồng thời, Nghị định 56/2009/NĐ-CP cũng quy định ưu tiên trợ giúp các chương trình của DN do phụ nữ làm chủ. Ngoài ra, quyền lợi cho DN cũng được quy định cụ thể tại Luật Việc làm, Luật Đấu thầu...

 Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Hà Nội cho biết,  nhiều DN phản ánh chưa được hỗ trợ vì chưa có hướng dẫn, thủ tục phức tạp, phải đi xin mất rất nhiều thời gian, công sức. Hơn nữa, trong khi chính sách hỗ trợ và bảo vệ người sử dụng lao động nữ còn bất cập thì các chính sách hiện hành bảo vệ lao động nữ lại khá nhiều. Điều này đang tạo ra gánh nặng không hề nhỏ cho các DN có nhiều lao động nữ và không hề khuyến khích được DN sử dụng lao động nữ.Bà Marika Vilisaar, chuyên gia tư vấn luật của Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI), cũng đưa ra một số khó khăn cản trở hoạt động kinh doanh của DN do nữ làm chủ, như: Thiếu mạng lưới liên kết (vì các kết nối này thường sau giờ làm việc và tốn kém thời gian, trong khi nữ doanh nhân phải dành thời gian chăm sóc gia đình), thiếu tài sản thế chấp (đây là thách thức lớn nhất của các DN do nữ làm chủ, bởi tài sản là bất động sản thường đứng tên của người chồng hoặc khó có thể tự mình quyết định về việc thế chấp tài sản)... Ngoài ra còn có các trở ngại về môi trường pháp lý, văn hóa, tiếp cận quỹ đất, nguồn nhân lực, chính thức hóa và gánh nặng hành chính, tham nhũng và kết cấu hạ tầng...

Nghiên cứu của HAWASME cũng đưa ra khuyến nghị, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ là đối tượng được hưởng hỗ trợ của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc cung cấp thông tin, chính sách, thị trường, nguồn lực... cần công khai, minh bạch và có thể tiếp cận cho doanh nghiệp. Đồng thời cần bảo đảm tỷ lệ nhất định về doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ trong tiếp cận thị trường và nguồn lực hiện tại dành cho khối doanh nghiệp này.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh