70% doanh nghiệp nông nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng
- Huyệt vị
- 13:30 - 06/09/2017
Khảo sát của Bộ NN&PTNT cho thấy, theo đánh giá của DN, cách tiếp cận chính sách tín dụng hiện nay thiếu phù hợp do còn nặng hỗ trợ theo kiểu xin – cho mà chưa tính tới nhu cầu thực sự của khách hàng.
Bộ NN&PTNT đề xuất, tới đây, Nghị định 210/2013/NĐ-CP phải sửa đổi để giúp DN nông nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn (ảnh MH Internet)
Khung pháp lý chưa đầy đủ và hẹp khi nhiều quy định trong lĩnh vực này đang trở nên thiếu hoặc bất cập so với yêu cầu của thị trường tài chính hiện đại. Thời hạn, hạn mức cho vay chưa phù hợp với nhiều đối tượng, lãi suất cho vay còn cao.
Đặc biệt, thủ tục tiếp cận tín dụng còn nhiều phức tạp khi vẫn yêu cầu về các loại chứng nhận, đăng kí, tài sản thế chấp hay nhiều điều kiện tiếp cận chính sách khác làm giảm sự nhiệt tình của các doanh nghiệp và nhà đầu tư khi đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Việc thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề định giá tài sản trên đất vẫn đang là điểm mấu chốt cản trở việc tiếp cận dòng vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn.
Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đề xuất, tới đây, Nghị định 210/2013/NĐ-CP phải sửa đổi để giúp DN nông nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn. Về tài sản thế chấp, thứ nhất, DN có dự án nông nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu được phép sử dụng giấy CNQSDĐ (khi có ủy quyền của bên góp đất) để thế chấp ngân hàng vay vốn. Doanh nghiệp được sử dụng tài sản hình thành trên đất thuê hoặc đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, gồm: nhà ở, công trình xây dựng, nhà kính, nhà lưới, rừng trồng, cây lâu năm làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Thứ hai, doanh nghiệp vay vốn để đầu tư máy móc, thiết bị thì được sử dụng chính tài sản đó để làm tài sản đảm bảo khoản vay. Mức vay tối đa để mua các loại máy móc, thiết bị hoặc các tài sản có thể định giá: Được vay thế chấp bằng 100% giá trị tài sản đối với dự án Nhóm 1 và Nhóm 2; 80% đối với dự án Nhóm 3 và Nhóm 4.
Về lãi suất, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cụ thể như sau: Miễn trả lãi và trả nợ gốc: 03 năm đối với dự án Nhóm 1; 02 năm đối với dự án Nhóm 2; 01 năm đối với dự án Nhóm 3 và Nhóm 4.
Ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay vốn ngắn, trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam với lãi suất thấp hơn 1,5-2,5%/năm đối với các dự án nông nghiệp thuộc Nhóm 1 và Nhóm 2; 1-1,5%/năm đối với các dự án nông nghiệp thuộc Nhóm 3 và Nhóm 4 so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn kể từ khi phải trả lãi. Ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương được sử dụng để cấp bù chênh lệch lãi suất khi thực hiện cho vay để thực hiện các dự án nông nghiệp.