THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:11

Doanh nghiệp ngoại đang xâm chiếm thị trường truyền hình OTT ở Việt Nam

 

Các ứng dụng xuyên biên giới nước ngoài chưa thể quản lý 

Thực tế này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khai thác dịch vụ tại Việt Nam có hợp pháp. Hiện nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (dịch vụ có thu phí) ở Việt Nam đang được quản lý theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP. Theo Nghị định 06, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình phải đảm bảo các điều kiện sau: Phải là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Các chương trình, nội dung nước ngoài trước khi cung cấp cho người dùng phải tuân thủ quy định về biên tập, biên dịch và quản lý nội dung theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, phải được một đơn vị được nhà nước chỉ định thực hiện biên tập, biên dịch trước khi cung cấp cho người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, trong Nghị định 06 chưa có quy định cụ thể điều chỉnh đối với các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam (dịch vụ OTT).

 - Ảnh 1

Ứng dụng nước ngoài đều có phụ đề tiếng Việt và thu tiền thuê bao bằng đồng Việt Nam.

 

Theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, đối với mảng nội dung truyền hình, phim ảnh, pháp luật Việt Nam quản lý rất chặt chẽ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước. Trong khi các ứng dụng xuyên biên giới nước ngoài tràn vào thị trường thì nhà nước chưa thể quản lý. Điều này có nguy cơ gây rối loạn thị trường dịch vụ nội dung số ở Việt Nam.

Ông Giản cũng cho hay, chỉ một thời gian ngắn nữa, Disney một ứng dụng xuyên biên giới cung cấp nội dung cho giới trẻ cũng sẽ mở khai thác, bán thuê bao ở thị trường Việt Nam. Chắc chắc thị trường truyền hình OTT ở Việt Nam sẽ là cuộc đấu của các OTT xuyên biên giới. Điều này khiến nhiều người lo ngại nguy cơ xâm lấn văn hóa và nhiều nội dung không đúng thuần phong mỹ tục sẽ “luồn” vào Việt Nam qua con đường này.

Đối với mảng game xuyên biên giới cung cấp trên hai nền tảng iOS và Android, hồi đầu tháng 7, Bộ TT&TT đã mời 10 doanh nghiệp game nước ngoài đang cung cấp game xuyên biên giới đến để phổ biến những quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý game, trong đó: Game không phép sẽ không được phát hành vào Việt Nam.

Bộ TT&TT đang tiến hành sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó sẽ bổ sung thêm các quy định về quản lý dịch vụ nội dung cung cấp trên Internet, trên di động, nội dung cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Dự thảo sửa đổi đang được trình Chính phủ xem xét ban hành.

 

Cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có thể vào Việt Nam bằng 2 con đường

Dù quy định quản lý dịch vụ OTT chưa chính thức được ban hành, nhưng trên thực tế thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có thể cung cấp dịch vụ một cách hợp pháp vào Việt Nam thông qua hai hình thức. Thứ nhất, các đơn vị nước ngoài có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, trường hợp này doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép liên doanh với một đơn vị trong nước để thành lập doanh nghiệp và số vốn nước ngoài sở hữu tối đa 49% tại liên doanh. Việc thành lập liên doanh cung cấp truyền hình có vốn đầu tư nước ngoài phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp này tương tự như Canal (của Pháp) liên doanh với VTV để thành lập Công ty VSTV cung cấp dịch vụ truyền hình K tại Việt Nam trong 10 năm qua.

Trường hợp thứ hai, doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác với một doanh nghiệp truyền hình của Việt Nam để bán gói dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, giống như gói HBO GO mà HBO đang phân phối trên dịch vụ truyền hình của FPT Play. FPT sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện biên tập, biên dịch các nội dung trên HBO GO khi cung cấp gói dịch vụ này. Những đơn vị nào bán dịch vụ tại Việt Nam mà không đảm bảo các điều kiện trên đều là cung cấp dịch vụ bất hợp pháp.

Việc các nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến xuyên biên giới vào Việt Nam cho thấy, Việt Nam là một thị trường béo bở để khai thác dịch vụ giải trí trực tuyến. Dịch vụ OTT có lợi thế là có thể cung cấp dịch vụ mà không cần phải triển khai hạ tầng (khác với dịch vụ truyền hình cáp, vệ tinh hay IPTV đơn vị cung cấp dịch vụ phải đầu tư hạ tầng truyền dẫn), do đó các ông lớn công nghệ giải trí hàng đầu thế giới có thể nhanh chóng cung cấp dịch vụ toàn cầu trên nền tảng Internet mà không có một rào cản nào về mặt công nghệ, cũng như pháp lý.

Một bộ phim nước ngoài có bản quyền được người dùng mua trên nền tảng truyền hình trực tuyến của doanh nghiệp Việt Nam đang chịu 3 loại thuế: Thuế bản quyền 10%, thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 20%. Do vậy, chi phí cho thuế để duy trì nền tảng là áp lực rất lớn, nhưng áp lực này lại chỉ dành cho doanh nghiệp OTT nội. Còn các doanh nghiệp nước ngoài như Netflix, iFlix, Apple TV, Tencent và Baidu thì không phải chấp hành nghĩa vụ về thuế, không phải xin giấy phép hay chịu sự quản lý nội dung khi khai thác thị trường Việt Nam.

Việt Nam đang là thị trường di động đầy màu mỡ để các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến khai thác. Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 6/2019, tổng số máy điện thoại di động của Việt Nam là 134,5 triệu thuê bao. Trong đó, số máy điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là 51 triệu thuê bao. Báo cáo của Appota khẳng định, thời điểm này, những con số về nhân khẩu học của Việt Nam được coi là đẹp nhất với lượng người tiêu dùng trẻ và thuộc tầng lớp trung lưu lớn. Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao, lên tới 72%, có mức tiêu thụ phương tiện truyền thông trực tuyến và thói quen chơi game di động cao. Điển hình, người Việt xem video clip và nghe nhạc trên điện thoại chiếm 69%. Sự gia tăng nhanh chóng về tỉ lệ sở hữu điện thoại và hành vi lên mạng bằng điện thoại lên đến 68%, khẳng định thị trường di động là mảnh đất rộng lớn cho các doanh nghiệp khai thác.

Trong thời gian qua Bộ TT&TT đã yêu cầu Apple và Google chặn, gỡ 142 game không phép, game có nội dung bị cấm phát hành theo luật pháp của Việt Nam. Sau khi làm việc với Bộ TT&TT, các doanh nghiệp game nước ngoài đã hứa sẽ tuân thủ, ngay sau đó đã tạm dừng cung cấp các game chưa được cấp phép vào thị trường Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn dòng tiền thanh toán đến các dịch vụ nội dung số của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam mà không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó bao gồm: Game, mạng xã hội, dịch vụ truyền hình, OTT trên các nền tảng Internet.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh