THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:06

Doanh nghiệp muốn đưa lao động đi làm việc nước ngoài phải có vốn điều lệ 5 tỷ đồng

Đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực, uy tín của doanh nghiệp

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) này đặt ra yêu cầu cao hơn so với luật hiện hành về năng lực, uy tín và trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đặt yêu cầu cao với doanh nghiệp đưa lao động làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Cụ thể, luật hiện hành quy định, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ. 

Còn trong Luật sửa đổi vừa được thông qua, yêu cầu doanh nghiệp có vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét việc sử dụng khái niệm “vốn chủ sở hữu”, cần thay bằng “vốn điều lệ” để phù hợp Luật Doanh nghiệp trong điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc kỹ với các cơ quan hữu quan và thống nhất quy định “vốn điều lệ” thay cho “vốn chủ sở hữu” như dự thảo Luật đã chỉnh lý. 

Theo đó, "doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư", bà Thúy Anh nói.

Người lao động chỉ phải trả một phần phí dịch vụ

Một trong những điểm đáng chú ý nữa trong Luật lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là về tiền dịch vụ (Điều 23). 

Cụ thể, Luật sửa đổi đã bổ sung điều khoản trong đó quy định, trong trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ, thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.

Đặt yêu cầu cao với doanh nghiệp đưa lao động làm việc ở nước ngoài - Ảnh 2.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu trong phút giải lao bên hành lang Quốc hội

Bên cạnh đó, dù tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định người lao động phải trả tiền dịch vụ (Điều 23), nhưng Uỷ ban thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị giữ quy định này.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần giảm tối đa chi phí tiền dịch vụ cho người lao động và tiến tới người lao động không phải chi trả tiền dịch vụ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Tuy nhiên, trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp tục quy định về tiền dịch vụ.

Để bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 23 theo hướng làm rõ hơn về tiền dịch vụ, quy định chặt chẽ các nguyên tắc thu tiền dịch vụ. Trong đó có quy định trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ hai bên đã thỏa thuận.

Ngoài điều khoản trên, Luật sửa đổi cũng quy định mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp được thu từ người lao động. Cụ thể, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động không quá 1 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Đối với sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển, mức trần là không quá 1,5 tháng tiền lương cho mỗi 12 tháng làm việc.

Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 3 tháng tiền lương của người lao động.

Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng, thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động.

Còn đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức trần tiền dịch vụ thấp hơn các quy định trên.

Luật sửa đổi cũng bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Cụ thể, bổ sung thêm quyền cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. 

Bổ sung thêm nghĩa vụ thông báo với cơ quan đăng ký cư trú sau khi về nước trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Được biết, đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã và đang góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và mang lại nhiều lợi ích kinh tế khác.

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng theo các kênh chính thức. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình, người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Như vậy, sau khi được Quốc hội thông qua, Luật sửa đổi sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, tác động đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vào thời điểm đất nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập.

Điều 10. Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư;

b) Đã ký quỹ theo quy định tại Điều 24 của Luật này;

c) Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;

d) Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 của Luật này;

đ) Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Có trang thông tin điện tử.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.



Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh