Doanh nghiệp mong muốn nhân viên có thể cùng tham gia làm chủ
- Huyệt vị
- 05:57 - 13/10/2023
Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai do Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường làm Trưởng Đoàn đã tổ chức buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tại Công ty Cp Chăn nuôi CP Việt Nam, doanh nghiệp FDA đến từ Thái Lan. Đoàn giám sát đã nghe báo cáo về tình hình hoạt động và thực thi pháp luật của Công ty. Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện C.P. Việt Nam cho biết, hiện nay C.P. Việt Nam có 9 nhà máy, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, tổng số lao động đang làm việc tại Đồng Nai hơn 10 ngàn người.Trong kinh doanh vào năm 2021 Công ty đã thực hiện nghĩa vụ thuế là hơn 4,7 ngàn tỷ đồng, năm 2022 là hơn 2,1 ngàn tỷ đồng. Cũng theo báo cáo của Công ty hiện nay vấn đề nội địa hoá của nguyên liệu sản xuất phục vụ chăn nuôi của doanh nghiệp là 50%.
Về chính sách dành cho người lao động, đại diện Công ty cho biết đơn vị có rất nhiều chính sách của người lao động như xây dựng các chính sách để đưa vào thoả ước lao động tập thể, các buổi đối thoại với người lao động với lãnh đạo công ty diễn ra định kỳ. Trong đó có những cái không quy định như bữa ăn ca dành cho công nhân trị giá 30 ngàn đồng/ xuất. Các chính sách được thực hiện liên tục và nghiêm túc. Đặc biệt, CP Việt Nam cho biết, ngoài Công đoàn, đơn vị còn có các tổ chức nữa để đứng sau người lao động là Quỹ hỗ trợ từ thiện. Ngoài ra, đây là đơn vị Doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên trên cả nước báo cáo trực tiếp với Trung ương Hội và có nhiều hoạt động dành cho công nhân. Gần đây nhất đó là việc thành lập CLB Gia đình CP liên thế hệ đây là CLB sẽ chăm sóc đời sống công nhân từ khi họ bước chân vào công ty đến cuối đời.
Tại buổi làm việc, Đại diện Công ty đề nghị Đoàn Đại biểu hỗ trợ được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thông qua đó, nhân viên của Công ty có thể mua cổ phần để họ cũng được tham gia làm chủ và họ sẽ cống hiến giúp cho công ty ngày một bền vững. Trước đây Công ty Cp Chăn nuôi CP Việt Nam chỉ có 3 cổ đông góp vốn vì vậy công ty mong muốn có thêm các nhà đầu tư để phát triển. Qua nghiên cứu của Công ty cho thấy, việc này không có trở ngại để Công ty có vốn FDI được niêm yết. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 năm 2022 đến nay, dù đã làm hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng không nhận được phản hồi về việc hồ sơ được giải quyết hoặc có các vướng mắc gì để CP Việt Nam có thể khắc phục để công ty phát triển bền vững.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quản Minh Cường đã yêu cầu trong những ngày tiếp theo, Đoàn ĐBQH và CP Việt Nam phải họp lại với nhau và chuyển những hồ sơ có liên quan để các ĐBQH báo cáo để Bộ trưởng Bộ Tài Chính trả lời cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Sau đó, Đoàn Giám sát cũng đã đến thăm và làm việc với Công ty TNHH Tiger Việt Nam, đây là doanh nghiệp FDA đến từ Nhật Bản.Công ty đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam từ năm 2011 đến nay với tổng vốn đầu tư đạt 37,5 triệu USD, tuy nhiên tổng vốn góp đến nay chỉ đạt khoảng 20 triệu USD. Đây là đơn vị chuyển sản xuất các loại sản phẩm về bình giữ nhiệt, bình đun siêu tốc và các sản phẩm về điện khác với công suất 2,9 triệu sản phẩm/năm.
Đại diện Công ty cho biết, hiện nay doanh nghiệp cho biết từ năm 2020 trở đi doanh thu mới bắt đầu phát triển. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch.Thời gian tới doanh nghiệp sẽ đầu tư các thiết bị khoa học công nghệ để nâng cao sản xuất và giảm thiểu lao động để giảm tải vấn đề về nhà ở và các vấn đề kinh tế xã hội khác.
Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường xin ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và mong muốn rằng trong thời gian tới các doanh nghiệp có nguồn vốn FDI như CP Việt Nam và Tiger Việt Nam phải xác định, phát triển luôn đi liền với đổi mới công nghệ để đảm bảo yêu cầu về môi trường, phù hợp nhu cầu thị trường, giá cả hợp lý, an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe người lao động và người tiêu dùng. Đặc biệt, trong quá trình thực thi pháp luật, nếu doanh nghiệp gặp vướng mắc nên có ý kiến, trao đổi với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
“Tất cả các doanh nghiệp cần phải xem lắp đặt các trạm quan trắc để kết nối với các ban ngành để theo dõi để bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động và người tiêu dùng”, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quản Minh Cường nhấn mạnh.