CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:18

Doanh nghiệp lo nguy cơ bất bình đẳng khi ứng dụng “sandbox”

Tại Diễn đàn cấp cao Công nghiệp 4.0 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chiến lược quốc gia của Việt Nam cần xây dựng theo hướng đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng hội nhập, thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp lo nguy cơ bất bình đẳng khi ứng dụng “sandbox” - Ảnh 1.

Sandbox được ví như môi trường lý tưởng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ thỏa sức sáng tạo, tận dụng công nghệ mới để đột phá. (Ảnh minh họa: KT).

“Hướng đi này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu”, ông Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh cần hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.

Cũng tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng lưu ý cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có những yếu tố khó lường, do đó cần sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro, có các giải pháp linh hoạt thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được.

Theo đó, để tận dụng thời cơ, Chính phủ sẽ sớm ban hành đề án thí điểm cho các mô hình mới nhằm sản xuất ra các sản phẩm mới của quá trình chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng bày tỏ quan điểm vấn đề quản lý cần phù hợp với sự phát triển trong thực tế, đặc biệt là quản lý những vấn đề còn mới.

Sandbox là khung thí điểm cho các mô hình kinh doanh mới trong một giới hạn không gian, thời gian nhất định.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với những vấn đề còn mới thì cũng không thể biết cách quản lý, do đó việc áp dụng cơ chế “sandbox” sẽ là cách tiếp cận cái mới tốt nhất.

Trước thông tin này, hầu hết các doanh nghiệp khoa học công nghệ, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp đều ủng hộ ý tưởng sandbox khi tiếp cận các loại hình dịch vụ - thương mại mới (phát sinh nhờ ứng dụng các công nghệ mới) thay vì cấm đoán.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý nên có các chế tài rõ ràng khống chế về không gian, thời gian hay thị phần trong khuôn khổ “sandbox”, tránh tình trạng vài doanh nghiệp được áp dụng cơ chế thí điểm lại trở thành doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, do được hưởng các cơ chế pháp lý mở, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc kiêm sáng lập viên ứng dụng gọi xe Be Group cho rằng ví như trong lĩnh vực giao thông vận tải áp dụng công nghệ 4.0. Theo ông Hải, cần sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 để có khung pháp lý minh bạch, cân bằng giữa mô hình kinh doanh cũ và mới.

Câu chuyện giữa vận tải truyền thống và vận tải công nghệ đến nay vẫn mãi chưa thể ngã ngũ do việc thiếu cơ chế cân bằng. Với sự phát triển của công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những “va chạm” giữa cũ – mới này sẽ ngày càng nhiều hơn. Việc sớm ban hành cơ chế các sandbox sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, muốn ứng dụng công nghệ để đột phá và phát triển.

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh