THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:31

Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số

 

Sáng 8/8, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (ICT Summit 2019) với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”. Tại đây, nhiều ý kiến đóng góp đã được các vị lãnh đạo, chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ để giúp giải bài toán chuyển đổi số cho Việt Nam.

 - Ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm quan các gian hàng triển lãm tại ICT Summit 2019. 

 

Doanh nghiệp là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp ICT là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Do đó, phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số. Bộ TT&TT sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số.

Thứ nhất, đó là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT.

 - Ảnh 2Việc các doanh nghiệp tạo ra những nền tảng số sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số Việt Nam.

 

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp công nghệ đã có 10 - 20 năm kinh nghiệm. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải chuyển đổi từ việc chủ yếu làm gia công sang phát triển sản phẩm, với trọng tâm là các platforms chuyển đổi số.

Nhóm thứ ba là các doanh nghiệp tư vấn và chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Cuối cùng, đó là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh đột phá.

Để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần phải tạo ra các platforms (nền tảng) số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân sử dụng. Điều này cần đến sự chung tay giúp sức của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam.

 - Ảnh 3Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ chính là là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

 

Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (ICT Summit 2019), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam sẽ sớm đưa ra tuyên bố về chiến lược chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu nhằm tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số.

Để làm được điều này, Việt Nam cần cải cách về thể chế và đề ra chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, bên cạnh đó là triển khai cơ chế sandbox để thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam cũng cần phải chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số như: IoT, Big Data, AI, AR.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để chuyển đổi số thành công, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước.

- Bước một là đẩy nhanh việc số hoá các lĩnh vực.

- Bước hai sẽ sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực, từng tổ chức.

- Ở bước thứ ba, Việt Nam sẽ tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới. Các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ, không chỉ là kiến tạo môi trường thông qua thể chế, mà còn là đi đầu trong chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số, phải xác định những việc cần làm ngay

 - Ảnh 4

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

 

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn ICT Summit 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định chuyển đổi số là cơ hội của Việt Nam nhưng cũng là cơ hội của nhiều quốc gia khác. Trong cuộc đua tranh này, nếu Việt Nam không tận dụng được cơ hội, chuyển đổi số sẽ lại trở thành thách thức đối với chúng ta.

Việt Nam từng thành công khi mạnh dạn số hoá ngành bưu điện. Tuy vậy, cũng có không ít cơ hội bị bỏ qua, rất nhiều đề án, mục tiêu vẫn còn chưa làm được. Chính vì thế, Việt Nam cần phải biết tận dụng cơ hội một cách tốt nhất.

Phó Thủ tướng đánh giá cao nội dung được chia sẻ tại diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các ý kiến được chia sẻ tại diễn đàn sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp đóng góp vào đề án chuyển đổi số quốc gia mà Việt Nam sắp sửa ra tuyên bố.

Trong tiến trình chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù vui hay không, chúng ta cũng phải tự nhắc nhở mình rằng, tâm thế của Việt Nam là một nước vẫn còn đang kém phát triển so với thế giới. Do vậy, trước khi nghĩ đến chuyện vượt lên, Việt Nam trước hết phải bằng được nước khác và phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần.

Để làm được điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam phải tập trung xây dựng môi trường pháp lý để doanh nghiệp có được sự hỗ trợ của nhà nước và có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Bên cạnh đó, phải có chính sách về thuế, cơ chế phân bổ tài nguyên để không chỉ doanh nghiệp CNTT mà ngay cả các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới cũng được hưởng những lợi ích thiết thực về mặt vật chất.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta phải xác định được một số việc làm ngay và phải làm đến cùng. Đây chính là đầu bài cho giới CNTT, là nhiệm vụ cho các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước”.

Diễn đàn ICT Summit năm nay cũng chứng kiến sự thành lập của Liên minh chuyển đổi số Việt Nam với 9 thành viên gồm: Viettel, VNPT, Misa, FPT, CMC, VNG, MobiFone, Hài Hoà và Bkav. Liên minh Chuyển đổi số là sáng kiến do Hiệp hội Phần mềm và Công nghiệp nội dung số (VINASA) khởi xướng.

 - Ảnh 5Liên minh chuyển đối số Việt Nam vừa được chính thức thành lập.

 

Với việc hình thành Liên minh Chuyển đổi số, tới đây, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà ngay cả những doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ cùng tham gia vào việc thúc đẩy và cung cấp giải pháp, từ đó giúp tạo ra khát vọng chuyển đổi số cho mọi thành phần trong xã hội.

Theo VIETNAMNET

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh