CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:46

Doanh nghiệp làng nghề vẫn… lơ ngơ

*Nỗi lo trước ngưỡng cửa hội nhập

Hiệp hội làng nghề Việt Nam vừa tổ chức “Hội nghị khách hàng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2015” nhằm tạo cơ hội và trang bị kiến thức cho các DN làng nghề, vốn đang hoàn toàn bỡ ngỡ trước hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nhận định: “ Những năm gần đây, nhiều làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển mạnh.Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm nay, các DN làng nghề hầu hết vẫn lơ ngơ, không nắm được thông tin gì…”

 “Sự phát triển của làng nghề hiện nay chưa bền vững, sức cạnh tranh còn kém. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước được ký kết, nhiều dòng thuế sẽ chỉ còn 5%- 0%.

Hàng hóa tràn vào, làng nghề sẽ phải cạnh tranh với mặt hàng truyền thống của các nước ASEAN, và quốc gia khác về giá cả cũng như mẫu mã. Hiện nay, hầu hết các DN làng nghề vẫn chưa chưa nhận thấy mối lo sắp cận kề này”- ông Dần nói.

 

Lao động làng nghề thêu tay Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, các nước trong khu vực như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia…sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất tinh xảo, giá thành hợp lý, Chính phủ các quốc gia này cũng dành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, do đó họ là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất với sản phẩm các làng nghề Việt Nam.

Do đó, theo ông Dần ngoài trang bị kiến thức để DN làng nghề chủ động với hội nhập kinh tế, VCCI cần trang bị các kiến thức về Hiệp định tự do thương mại( FTA), để giúp DN nắm rõ hơn trong việc tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý để cạnh tranh cả trong và ngoài nước. Như vậy, mới mong giải quyết khó khăn cho làng nghề, tạo việc làm cho lao động trong thời điểm hiện tại.

*Doanh nghiệp cần chủ động tiếp nhận thông tin FTA

Hiện nay, thông tin về hội nhập như thế nào, lĩnh vực nào được miễn thuế, miễn bao nhiêu, lộ trình ra sao… các DN làng nghề đều không nắm rõ. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp nhiều hơn, cụ thể hơn những thông tin về hội nhập cho DN nói chung và DN làng nghề nói riêng.

“Về phía DN cũng cần tích cực, chủ động tiếp cận thông tin để điều chỉnh kịp thời sản xuất cho phù hợp với thị trường. Ngoài ra, DN cũng cần cải tiến mẫu mã sản phẩm, sản xuất, kinh doanh những sản phẩm thị trường cần, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực”- ông Dần  nhấn mạnh. 

Đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn, thế nhưng trên thực tế hiện nay, không ít làng nghề cũng đang phải vật lộn để tồn tại. Về phía VCCI, hiện cũng đang tích cực triển khai dự án hỗ trợ các DN làng nghề ứng dụng thương mại điện tử trong bán hàng và xuất khẩu. Theo đó, các sản phẩm làng nghề sẽ được đưa lên sàn thương mại điện tử, có hình ảnh, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…

Đây là những việc làm thiết thực giúp các DN làng nghề trước ngưỡng cửa xóa bỏ rào cản thuế quan, đòi hỏi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cần có các bước đột phá từ khâu tiếp thị hình ảnh, cho đến chất lượng, mẫu mã để cạnh tranh với sản phẩm các quốc gia khác. 

Đại diện của 20 làng nghề có mặt tại hội thảo đều thống nhất kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn để bảo tồn và phát triển làng nghề; cần có các chính sách hỗ trợ ưu đãi hơn nữa cho các DN làng nghề được vay vốn, bởi hiện chỉ có khoảng 30% DN làng nghề tiếp cận vay vốn.

Nhà nước cũng như cần có cơ chế riêng và cơ quan chủ quản để chỉ đạo và tổ chức sản xuất, phát triển cho các làng nghề. Bởi hiện nay việc phát triển làng nghề liên quan đến rất nhiều Bộ: NN&PTNT, Công Thương, VH-TT&DL, Liên minh hợp tác xã. Bên cạnh đó, trên thực tế, việc đào tạo các nghề thủ công mỹ nghệ cần nhiều thời gian hơn so với các nghề khác, do đó nên điều chỉnh Quyết định dạy nghề cho lao động nông thôn(QĐ 1956) cho phù hợp với hiện tại.

Hoạt động sản xuất nghề nông thôn đã tạo ra việc làm cho khoảng 12 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có những địa phương thu hút tới 60% nhân lực lao động.

Mức thu nhập từ sản xuất có nghề cao hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp, thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 450 nghìn đồng/tháng đến 5 triệu đồng tháng, gấp 1,5- 4 lần so với lao động thuần nông.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh