Doanh nghiệp khốn đốn sau khi mua tài sản đấu giá
- Huyệt vị
- 18:15 - 14/10/2019
Sự việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh trung đấu giá dự án khu dân cư (KDC) Hòa Lân (Bình Dương) là một ví dụ. Năm 2002, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty TNHH SXTM Thiên Phú (Thiên Phú) thực hiện dự án KDC Hòa Lân ở phường Thuận Giao, TX.Thuận An, Bình Dương (dự án Hòa Lân). Sau đó, Thiên Phú thế chấp đất dự án là 409.765,1 m2 để vay Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) nhưng không có khả năng trả nợ. Do đó, Thiên Phú đã ký biên bản giao tài sản thế chấp để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.
Sau 2 năm với 11 kỳ đấu giá thất bại, ở ký đấu giá lần thứ 12 vào ngày 25/5/2017, Công ty TNHH xây dựng A Đông Hải, sau này đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.Hồ Chí Minh (công ty Kim Oanh) đã trúng đấu giá với giá bán 1.353 tỉ đồng. Do giá trị tài sản quá lớn nên Agribank Chợ Lớn cho phép công ty Kim Oanh giãn thời gian thanh toán, và đóng lãi 8%/năm trên số tiền chậm thanh toán.
Quá trình thực hiện bán đấu giá tài sản của dự án Hòa Lân cho công ty Kim Oanh đã được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận "kết quả bán đấu giá tài sản của dự án Hòa Lân hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật". Tuy nhiên, ngày 14/2/2019, Thiên Phú lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương không chấp nhận chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Thiên Phú sang công ty Kim Oanh do không thực hiện thanh toán 478 tỉ đồng theo hợp đồng trúng đấu giá và Thiên Phú cho rằng kết quả đo đạc đã làm thiếu hụt diện tích của dự án là 8.452 m2.
Đối với diện tích bị thiếu hụt, đại diện công ty Kim Oanh cho biết, do trước khi bán đấu giá công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn chưa thực hiện việc đo đạc trên thực tế, nên sau khi bán đấu giá xong, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tiến hành đo đạc, cắm mốc ranh đất theo quy định. Qua đó, đại diện công ty Kim Oanh khẳng định diện tích đất Thiên Phú nêu bị thiếu 8.452 m2, phía công ty Kim Oanh chưa nhận được văn bản hay có bất kì cơ quan nào yêu cầu giải quyết và cũng chưa được trừ lại phần diện tích nêu trên, nên không ảnh hưởng đến Thiên Phú.
Cũng theo công ty Kim Oanh, sau phiên đấu giá, ngoài tiền mua tài sản đấu giá, công ty Kim Oanh còn tự bỏ chi phí rất lớn để giải quyết các hậu quả do Thiên Phú để lại dù không thuộc nghĩa vụ của công ty Kim Oanh. Tại Công văn 435/NHNoCL-TD ngày 23/10/2018 gửi UBND tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Agribank Chợ Lớn khẳng định: "Ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc, Kim Oanh đã chủ động phối hợp với Thiên Phú, Agribank chi nhánh Chợ Lớn thực hiện những công việc: đàm phán, thỏa thuận, hỗ trợ kinh phí di dời cho 15 hộ kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá mà Thiên Phú cho mượn, cho thuê trước đây; ký hợp đồng đo vẽ, cắm mốc ranh giới địa chính toàn bộ khu đất; làm việc, đàm phán, thỏa thuận giải quyết khiếu nại và chi trả tiền bồi thường cho gần 20 hộ tái định cư có đất bị thu hồi trong dự án trước đây…".
Tại công văn số 2568/NHNo-PC, ngày 28/3/2019, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về qúa trình bán đấu giá tài sản dự án khu dân cư Hòa Lân, Bình Dương, Agribank Việt Nam cũng khẳng định: "Quá trình xử lý tài sản đảm bảo, Công ty Thiên Phú đã tham gia vào toàn bộ quá trình bán đấu giá, tự nguyện bàn giao tài sản, có ý kiến thông nhất bằng văn bản đối với việc thông báo bán đấu giá và giảm giá; Ký kết biên bản bán đấu giá tài sản và Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá".
Tuy nhiên, sau đó, ngày 21/2/2019, Công ty Thiên Phú nộp đơn khởi kiện yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán tài sản đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân (dự án Hòa Lân) được công chứng tại Văn phòng công chứng Thành Phố Mới, tỉnh Bình Dương là vô hiệu, đồng thời còn yêu cầu TAND Q.7 (TP Hồ Chí Minh) xem xét hợp đồng tín dụng giữa Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn. Đơn kiện của Thiên Phú được TAND Q.7 thụ lý ngày 27/2/2019.
Ngày 13/3, Thiên Phú nộp đơn khởi kiện bổ sung và được TAND Q.7 thụ lý trong ngày. Tiếp đến, ngày 14/3, Thiên Phú nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển về quyền đối với tài sản tranh chấp là toàn bộ quyền sử dụng đất tại dự án Hòa Lân. Và ngay hôm sau, ngày 15/3, TAND Q.7 đã ký Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án Hòa Lân.
Trước sự việc TAND Q.7 thụ lý vụ án và ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án Hòa Lân, trong báo cáo số 2568/NHNo-PC của ngân hàn NN&PTNT, ngày 28/3/2019, gửi Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng NN&PTNN Việt Nam khẳng định "Việc TAND Q.7 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án Hòa Lân là không đúng với tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng NNVN về thí điểm xử lý nợ xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá..".
Mặt khác, theo quy định tại Điều 39.1(c) của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án là Tòa án nơi có BĐS. Cụ thể, trong vụ án này, thẩm quyết giải quyết vụ án phải là TAND TX Thuận An, tỉnh Bình Dương, chứ không thuộc thẩm quyền của TAND Q.7 (TP Hồ Chí Minh).
Để đảm bảo quyền lợi của người trúng đấu giá, đề nghị TAND TC và TAND TP HCM cần sớm xem xét một cách khách quan vụ án trên tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc NH NN Việt Nam về thí điểm xử lý nợ xấu. Đảm bảo quyền, lợi ích của doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá.