THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:06

Doanh nghiệp FDI: Mức lương ổn định nhất, chỉ 13,8% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương do Covid-19

Gần 127 nghìn doanh nghiệp tham gia khảo sát

Báo cáo vừa công bố về Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp của Tổng Cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) được thực hiện từ 10 - 20/4/2020 bằng hình thức trực tuyến, sử dụng bảng hỏi điện tử trên hệ thống Điều tra doanh nghiệp năm 2020. 

Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế. 

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã tổ chức cuộc khảo sát nhanh nhằm thu thập thông tin về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) cũng như đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về mức độ phù hợp của các giải pháp được đưa ra trong Chỉ thị số 11/CT-TTg đối với doanh nghiệp.

Thông tin do doanh nghiệp cung cấp từ cuộc khảo sát sẽ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đánh giá đầy đủ về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp cũng như dự báo những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài. 

Từ đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có thêm căn cứ để tiếp tục đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển SXKD.

Tính đến thời điểm kết thúc khảo sát, có 126.565 doanh nghiệp tham gia trả lời, chiếm gần 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm hiện nay (trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, hạch toán toàn ngành). 

Chỉ trong thời gian ngắn triển khai khảo sát trực tuyến, số doanh nghiệp tham gia trả lời với con số ấn tượng như vậy là do cuộc khảo sát thực sự mang tính cấp thiết và doanh nghiệp nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc khảo sát nên đã tích cực phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện thành công cuộc khảo sát. 

Chi trả công lao động là gánh nặng lớn nhất thời điểm hiện nay  

Đứng đầu những gánh nặng của doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều trả lời, chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay.

Báo cáo khảo sát cho thấy, dịch Covid-19 làm cho tình hình kinh tế cả nước gặp khó khăn, hoạt động SXKD của doanh nghiệp bị đình trệ, bên cạnh đó doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp như: chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả công cho lao động, chi phí thường xuyên khác,…

Theo thang điểm từ 1 đến 5, trong đó: 1 là gánh nặng lớn nhất, 5 là gánh nặng nhỏ nhất, các doanh nghiệp đánh giá mức độ từng loại chi phí doanh nghiệp đang phải đối mặt như sau:

Xếp hạng theo điểm trung bình của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay, với điểm số trung bình là 1,89; chi trả lãi vay ngân hàng 2,41 điểm; chi phí hoạt động thường xuyên khác 2,67 điểm; chi phí thuê mặt bằng 2,68 điểm; chi phí khác 4.02 điểm.

Xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chọn loại chi phí là gánh nặng lớn nhất, thì khoản chi trả công lao động được nhiều doanh nghiệp chọn nhất, chiếm tới 40,3%, chi trả lãi vay ngân hàng và chi thuê mặt bằng, với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 30,8% và 27,2%, cuối cùng là chi cho hoạt động thường xuyên khác 16,8%.

Tương tự xu hướng chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, đánh giá với chi trả công lao động là gánh nặng lớn nhất, khoản chi phí có số lượng doanh nghiệp cho điểm bằng 1 nhiều thứ hai là trả lãi vay ngân hàng (trừ khu vực doanh nghiệp FDI lựa chọn là các khoản chi thường xuyên khác).

Doanh nghiệp nhà nước cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên cao nhất

Tổng Cục Thống kê cũng cho biết, theo quy mô, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có tỷ lệ áp dụng các giải pháp về lao động nhiều nhất, lên tới hơn 73,0%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp quy mô lớn là 70,3%, quy mô siêu nhỏ là thấp nhất với 60,0%. 

Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên là giải pháp được doanh nghiệp ở tất cả các nhóm ưu tiên lựa chọn, trong đó các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn áp dụng giải pháp này lên tới trên 53,0%. 

Tiếp theo là giải pháp cắt giảm lao động được các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa áp dụng nhiều nhất so với các nhóm doanh nghiệp còn lại, lần lượt là 33,3% và 31,2%. Giải pháp cho lao động nghỉ không lương và giảm lương cũng được một bộ phận doanh nghiệp áp dụng và tỷ lệ áp dụng giữa các nhóm doanh nghiệp chênh lệch không nhiều.

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ áp dụng nhiều nhất các giải pháp về lao động, chiếm 71,1%, đây cũng là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên cao nhất, chiếm 47,2%. 

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp về lao động của khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 67,2%, khu vực doanh nghiệp FDI là 56,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên của hai khu vực này cùng đạt mức trên 39,0%.

Nền kinh tế bị đình trệ kéo theo nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp sụt giảm đã dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động ở tất cả các khu vực doanh nghiệp. 

Tỷ lệ doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc nhiều nhất là khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước với tỷ lệ lên tới 28,7%; khu vực doanh nghiệp Nhà nước với 25,9% và khu vực doanh nghiệp FDI với 23,3%. 

Lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp FDI có mức lương ổn định nhất so với các khu vực doanh nghiệp còn lại, chỉ 13,8% doanh nghiệp FDI áp dụng giải pháp cho lao động nghỉ không lương và 10,7% doanh nghiệp áp dụng giải pháp giảm lương nhân viên;

Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và giảm lương ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 18,4% và 23,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 21,8% và 19,2%.

Theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động và cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên cao nhất, với tỷ lệ lần lượt là 32,8% và 44,2%; khu vực dịch vụ và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng hai giải pháp trên ở mức tương đương, khoảng 25,0% và 36,0%.

Giải pháp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động được áp dụng cao nhất

Để thích ứng với dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới.

Các giải pháp được doanh nghiệp thực hiện chủ yếu bao gồm: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận doanh nghiệp tận dụng thời điểm này để tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động.

Giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động trong thời điểm hiện nay đang được nhiều doanh nghiêp áp dụng, với tỷ lệ cao nhất 44,7%; có 17,0% doanh nghiệp thực hiện giải pháp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống; có 7,7% doanh nghiệp thực hiện giải pháp tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào...

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh