Doanh nghiệp đang trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng
- Dược liệu
- 17:23 - 11/10/2019
Chi phí doanh nghiệp tăng bình quân 0,49%
Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mức lương bình quân thấp nhất doanh nghiệp thực trả cao hơn khoảng từ 8 - 12% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Mức lương thấp nhất bình quân quý I năm 2019 là 4.130.000 đồng/tháng, trong đó vùng I là 4.670.000 đồng/tháng, vùng II là 4.010.000 đồng/tháng, vùng III là 3.590.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.230.000 đồng/tháng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực tế trên cho thấy, mức lương thấp nhất thực tế doanh nghiệp đang trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định năm 2019 và mức dự kiến điều chỉnh năm 2020. việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 theo dự kiến nêu trên chủ yếu tác động đến chi phí đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.
Sau khi tính toán, căn cứ vào tác động của mức lương tối thiểu đến chi phí lao động theo kết quả điều tra của Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến chi phí lao động của doanh nghiệp năm 2019 tăng so với năm 2018 ở mức bình quân chung tăng 0,49%.
Trong đó, 3 ngành sử dụng nhiều lao động và bị tác động lớn nhất bởi việc nâng mức lương tối thiểu vùng là: Dệt may tăng 4,02%; ngành da giày tăng 1,3%; ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản tăng 0,22%.
Điều chỉnh lại địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng
Ngoài đánh giá tác động của mức tăng lương, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất lại địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng đối với 4 địa phương. Trong đó, điều chỉnh huyện Đồng Phú (Bình Phước), Tp Bến Tre, huyện Châu Thành (Bến Tre) từ vùng 3 lên vùng 2. Huyện Đông Sơn, Quảng Xương (Thanh Hóa), Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) điều chỉnh từ vùng 4 lên vùng 3.
Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, việc điều chỉnh nhằm tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận. Lý do là các địa bàn trên có thị trường lao động phát triển hơn, hình thành các cụm, khu công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, giáp với các địa bàn khác có mức lương tối thiểu vùng cao hơn.
Đồng thời, qua số liệu tổng hợp thì hiện nay có 80 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng 1 chiếm 11,22%, có 87 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2 chiếm 12,2%, 168 địa bàn áp dụng mức lương tôi thiểu vùng 3 chiếm 23,56% và 378 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng IV chiếm 53,02%.
Vì vậy, việc điều chỉnh một số địa bàn áp dụng năm 2020 (vùng I giữ nguyên, vùng 2 tăng 3 địa bản, vùng 3 tăng 5 địa bàn, vùng 4 giảm 8 địa bàn) có tác động không lớn trên tổng thể.
Sau khi so sánh tác động ảnh hưởng của việc ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần thiết phải ban hành nghị định trên để bảo đảm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiền lương thực tế của người lao động.
Đầu tháng 7/2019, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và thống nhất với phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5%.
Theo đó, vùng 1 tăng lên 4,42 triệu đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng); vùng 2 lên 3,92 triệu đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng); vùng 3 lên 3,43 triệu đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng); vùng 4 lên 3,07 triệu đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng).
Từ phương án thống nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH có đánh giá khảo sát cùng trình với dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Dự kiến, khi Chính phủ thông qua, Nghị định này sẽ áp đụng từ 1.1.2020.