Doanh nghiệp đảm bảo đơn hàng, người lao động tăng thu nhập
- Bài thuốc hay
- 01:44 - 01/06/2019
Tăng giờ làm thêm, thêm thu nhập
Liên quan đến nội dung tăng giờ làm thêm, tờ trình của Chính phủ đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề được quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như một số ngành nghề gia công (dệt, may, da, giày, chế biến, chế tạo, lắp ráp điện tử, công nghệ thông tin) và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ (như chế biến nông, lâm, thủy sản).
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Dũng – Giám đốc công ty CP AMSON Việt Nam (chuyên sản xuất sơn xây dựng) cho rằng, với các ngành sản xuất, kinh doanh mang tính thời vụ thì các doanh nghiệp đang rất cần có lao động làm thêm ngoài giờ để đảm bảo tiến độ giao hàng cho khách nhất là vào thời điểm cuối năm có nhiều đơn hàng. Với khung thời gian làm thêm tối đa 300 giờ/ năm theo quy định hiện hành là chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. “Việc điều chỉnh tăng giờ làm thêm như đề xuất của dự thảo Bộ LLĐ chúng tôi hoàn toàn nhất trí, bởi với khung thời gian đảm bảo để người lao động vừa có điều kiện tăng được thu nhập mà vẫn có đủ thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động ” - ông Dũng chia sẻ.
Nhiều lao động mong muốn tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập (Nguồn Internet)
Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Phi Hùng – Giám đốc công ty may Diệp Long cho biết, hiện nay nhiều công ty may đang áp dụng sản xuất các đơn hàng theo dây chuyền. Nếu chỉ làm việc đúng 8 tiếng/ngày sẽ xảy ra hiện tượng cả dây chuyền sản xuất sẽ bị ngắt quãng bởi một khâu nào đó không có người làm. Đa phần các lao động tại nhà máy đều thực hiện tăng ca từ 10 đến 12 giờ mới đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng. “Vì vậy, việc tăng thời gian làm thêm sẽ giúp giải quyết được 2 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, là đảm bảo thời gian tiến độ mà các đối tác yêu cầu trong thời gian ngắn, mang tính thời vụ, giúp việc sản xuất kinh doanh của đơn vị không bị ngắt quãng. Thứ hai là giúp người lao động có thể tăng thu nhập, cải thiện đời sống” – ông Hùng khẳng định.
Bày tỏ sự đồng tình với dự thảo tăng giờ làm thêm, chị Đào Thị Hằng công nhân công ty Daiwa Plastics KCN Bắc Thăng Long cho biết: “Với những lao động phổ thông như tôi tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn công việc đó là thời gian làm tăng ca của công ty nhiều hay ít. Với mức lương cơ bản ở công ty hiện tại của là 4,5 triệu đồng, tăng ca đều đặn thì thu nhập vào khoảng trên 7 triệu đồng. Nếu không được tăng ca thì những công nhân như tôi khó mà có thể đảm bảo cuộc sống với các chi phí sinh hoạt ngày càng tăng lên”.
Trong khi đó, chị Trần Thị Hoài Thanh (1993 – quê Nghệ An) hiện đang là nhân viên tại Công ty cổ phần Toàn Cầu cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/ năm của dự thảo phù hợp với nhu cầu thực tế của người lao động. Về quy định nguyên tắc thỏa thuận với người lao động khi làm thêm giờ, chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ sẽ đảm bảo tính dân chủ và quyền lợi của người lao động.
Đảm bảo quyền lợi người lao động
Trao đổi về vấn đề này, TS. Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm là việc làm cần thiết. Khung thời gian làm thêm tối đa 400 giờ/năm nằm trong mức trung bình so với các nước trên thế giới. Đây là khung thời gian mà năng suất lao động vẫn đảm bảo.
TS. Đào Quang Vinh cho biết, qua khảo sát ở các cơ sở lao động cho thấy, rất nhiều người lao động, đặc biệt là lao động di cư, lao động trẻ thường có nhu cầu làm thêm giờ cao. Nhiều lao động bày tỏ muốn có nhiều thời gian làm thêm để có thêm thu nhập, bởi tiền lương cơ bản của người lao động còn thấp mà nhu cầu trang trải cuộc sống lại cao. Chính vì vậy, tăng thời gian làm thêm để tăng thu nhập đó là một nhu cầu chính đáng. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều có nhu cầu tăng thời gian làm thêm.
Việc tăng giờ làm thêm dựa trên nguyên tắc thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động (Nguồn Internet)
Tuy nhiên, TS. Đào Quang Vinh cũng đưa ra khuyến nghị, trên phương diện cơ quan quản lý cần cân nhắc các phương án có lợi cho cả hai bên và hài hòa được các quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong quá trình xác định khung thời gian về phía cơ quan quản lý nhà nước phải có những tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất và tuổi thọ của người lao động. Ngoài ra cũng phải xem xét trên góc độ phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động đặc biệt là một số ngành nghề đặc thù phải thực hiện các hợp đồng sản xuất, giao hàng ngặt nghèo, trong thời gian ngắn như: dệt may, da giầy…
Đánh giá về nội dung này trong dự thảo Bộ LLĐ, TS. Đào Quang Vinh cho rằng, nội dung trong dự thảo quy định khá chặt chẽ và rõ ràng, đó là cơ sở để cho doanh nghiệp và người lao động thực hiện. Về khung thời gian làm thêm giờ theo ngày không quá 4 tiếng, tức là trong một ngày người lao động không làm quá 12 tiếng/ngày. Điều này sẽ tạo điểu kiện để chủ sử dụng lao động huy động được người lao động làm thêm giờ mà người lao động vẫn đảm bảo sức khỏe và thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
“Giờ làm thêm tăng lên 400 giờ/năm là mức tối đa một người lao động có thể làm và người sử dụng lao động có thể sử dụng thời gian của người lao động. Nhưng dự thảo Bộ LLĐ cũng quy định: khuyến khích người lao động và chủ sử dụng lao động thỏa thuận với nhau. Đã gọi là làm thêm là phải đạt được sự thỏa thuận của 2 bên, giờ làm thêm không thể coi đó là quy định bắt buộc mà nó phải được thỏa thuận. Và khi mà người lao động đã làm việc trong thời gian làm thêm thì họ phải được hưởng các đơn giá tiền lương cao hơn so với thời gian làm việc bình thường”- TS. Đào Quang Vinh nói.