THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:43

Doanh nghiệp chống chèo "vượt bão" dịch bệnh

 
Ông Nguyễn Xuân Lợi giới thiệu mặt hàng xoài sấy với Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Ông Nguyễn Xuân Lợi giới thiệu mặt hàng xoài sấy với Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Dù khó, không bó tay!

Nhờ có mảng đầu tư năng lượng tái tạo, ngân sách tỉnh Đắk Lắk không đến nỗi hụt thu quá sâu. Số liệu cập nhật tới đầu tháng 10/2021 từ Cục Thuế Đắk Lắk cho thấy: So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều giảm. Riêng Công ty Điện lực Đắk Lắk tăng, do phát sinh đột biến từ việc cho Công ty Long Thành thuê đường dây thực hiện dự án.

Theo đó, top 6 doanh nghiệp được ngành Thuế dự kiến nộp thuế cao nhất cho tỉnh Đắk Lắk trong năm 2021 là: Công ty Bia Sài Gòn-Miền Trung 562 tỷ đồng (trước dịch hơn 1000 tỷ đồng/năm), Công ty Thủy điện Buôn Kuốp 243 tỷ đồng, các Công ty thủy điện khác 185 tỷ đồng, Công ty Điện Mặt trời Ea Súp 152 tỷ đồng, Công ty Điện lực Đắk Lắk 69 tỷ đồng và Công ty CP Cà phê Trung Nguyên 58 tỷ đồng.

Cạn túi, nợ nần là thảm cảnh của không ít đơn vị kinh doanh vận tải đoản vốn, vay ngân hàng nhiều ở Đắk Lắk. Các bến bãi phơi đầy đầu xe khách nằm chờ, chủ xe cần bán để trả nợ hoặc chuyển qua chạy xe tải. Không hiếm lãnh đạo, nhân viên những ngành nghề "thất sủng" quá lâu, như: tổ chức sự kiện, du lịch khách sạn, dịch vụ giải trí... đã phải tự cứu bằng cách mày mò học cách môi giới nhà đất, bán hàng online. Nhiều người sau nhiều lần cố “đi mắc núi, về mắc sông” đành ngưng lại chờ xã hội chuyển qua trạng thái “bình thường mới”.

Trong bối cảnh toàn cầu xám màu vì đại dịch, sự cầm cự bền bỉ để không phải sa thải nhân công của những đơn vị sử dụng nhiều lao động càng đáng quý hơn bao giờ hết.

Phòng ăn thời chống dịch ở nhà máy thép Đông Nam Á

Phòng ăn thời chống dịch ở nhà máy thép Đông Nam Á

 “3 cùng” để chiến đấu

Doanh nghiệp tư nhân có trên 500 lao động tại Đắk Lắk rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Công ty cổ phần Thép Đông Nam Á (Thép ĐNA) là cái tên nổi bật trong số đó.

Nhà máy Thép ĐNA ở Khu Công nghiệp Hòa Phú phía Nam TP. Buôn Ma Thuột chuyên nhập phế liệu sản xuất thép “xanh” theo công nghệ “sạch”. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, giai đoạn sản xuất cao điểm có những tháng công ty đóng tới 35 tỷ đồng tiền điện, xuất khẩu cả trăm nghìn tấn thép qua nhiều nước lân cận. Hằng năm, Thép ĐNA đều dành nhiều tỷ đồng cho các hoạt động phúc lợi, thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng.

“Đột nhập” nhà ăn sạch đẹp, nhiều dãy kính chắn ngăn cách, chúng tôi cảm nhận được sự chăm lo chu đáo đời sống người lao động của doanh nghiệp này. Ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty CP Thép Đông Nam Á cho biết: Để đảm bảo dây chuyền sản xuất không bị đứt gãy vì dịch bệnh, công ty đã chia ca đi làm, đảm bảo 2 ca không tiếp xúc với nhau, tuân thủ “1 cung đường 2 điểm đến”. Người lao động tự mang cơm theo, tạm dừng bếp tập thể để hạn chế tiếp xúc. Ở mảng nhập xuất hàng hóa, lái xe đăng ký luồng xanh, luôn có giấy test nhanh hiệu lực trong 72 giờ. Dù “bí” mấy, lái xe cũng phải ngồi trên ca bin trong suốt thời gian nhập xuất hàng, không được bước xuống. Chính vì vậy, dù sản lượng thép do công ty sản xuất chỉ đạt bình quân 50% so với 2 năm trước vì đại dịch nhưng đội ngũ công nhân của công ty vẫn được bảo đảm việc làm, thu nhập.

Sản xuất thép “xanh” tại nhà máy Thép Đông Nam Á

Sản xuất thép “xanh” tại nhà máy Thép Đông Nam Á

Cách Thép Đông Nam Á không xa là cụm nhà máy trải rộng trên diện tích 8ha của Tập đoàn Cà phê An Thái. Tại đây, An Thái chế biến cà phê, chế biến trái cây, có nhà máy ứng dụng công nghệ sinh học tận dụng phế phẩm để sản xuất phân vi sinh, xử lý toàn diện vấn đề môi trường. Là 1 trong 3 doanh nghiệp Việt tiên phong sản xuất cà phê hòa tan, cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà sản xuất thực phẩm làm ra nhiều mặt hàng khác, các sản phẩm gắn logo An Thái đã đến hơn 40 nước trên thế giới. Bất chấp đại dịch, Tập đoàn An Thái tiếp tục đầu tư sâu vào lĩnh vực chế biến củ quả xuất khẩu, với thương hiệu An Phú Organic xanh tươi.

Ông Nguyễn Xuân Lợi- Tổng giám đốc Tập đoàn An Thái cho biết nếu không ảnh hưởng dịch bệnh, Tập đoàn có thể chế biến, xuất khẩu 2000 tấn cà phê và trái cây mỗi năm. Đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà máy đã chia nhỏ không gian làm việc, để lỡ có ca nhiễm bệnh thì chỉ cần phong tỏa từng bộ phận, sẵn sàng ứng phó tình huống khẩn cấp. Không ít lần Tập đoàn chấp nhận bù lỗ để duy trì sản xuất, giữ chân lao động, vì thời gian đào tạo cho mỗi công nhân giỏi nghề lên tới vài năm. Trước đây, Tập đoàn đã chốt được các đơn hàng đông lạnh cho sầu riêng, xoài, nước cốt chanh dây đóng lon xuất khẩu qua 6 nước. Bây giờ Công ty “con” An Phú Organic sẽ tiếp tục triển khai sản xuất thêm các món khoái khẩu ăn liền từ mít, chuối, khoai…

Giữ vững vị thế hàng đầu cho cà phê Việt       

Tọa lạc vị trí đẹp nhất, bề thế nhất trong Khu Công nghiệp Tân An phía Bắc TP Buôn Ma Thuột, cụm Nhà máy cà phê Trung Nguyên Legend từ đầu đại dịch đã nhanh chóng kích hoạt phương án “3 tại chỗ”, vừa đảm bảo việc làm và sinh kế cho gần 400 công nhân viên, vừa liên tục triển khai các phương án tăng cường sản xuất. Nguồn tin từ Trung Nguyên Legend cho biết: Toàn chuỗi nhà máy của Tập đoàn trên cả nước vào lúc này đã chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, sẵn sàng kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở cửa trở lại. Tháng 9/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã trao Giải thưởng cống hiến  cho Trung Nguyên Legend, trong chương trình Giao lưu văn hóa ngoại giao đoàn lần thứ 22 vì những đóng góp to lớn của thương hiệu cà phê mạnh nhất đến từ Việt Nam.

Sản phẩm cà phê của Trung Nguyên Legend chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Sản phẩm cà phê của Trung Nguyên Legend chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Suốt quý 3/2021, toàn thế giới lao đao vì đại dịch, Trung Nguyên Legend vẫn điềm tĩnh duy trì hệ thống sản xuất, tiếp tục thành công trong việc đưa các sản phẩm cà phê lên quầy nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng, nhà sách hàng đầu trên toàn Trung Quốc. Chiến dịch “Relax life, Creating inspiration from Reading” của Trung Nguyên Legend đã góp phần đẩy mạnh hơn nữa hình ảnh, sản phẩm, thương hiệu cà phê Việt Nam tại thị trường khổng lồ này.

Đại diện Trung Nguyên Legend chia sẻ: Theo dự báo của Fitch Solutions (Mỹ), nền kinh tế Mỹ, Anh và một số nước châu Âu trở lại bình thường khiến nhu cầu sử dụng cà phê gia tăng mạnh mẽ. Đây chính là những thị trường trọng điểm của Trung Nguyên Legend. Không bỏ lỡ cơ hội, Trung Nguyên Legend tiếp tục sáng tạo, đưa sản phẩm, thương hiệu cà phê Việt lan tỏa sâu rộng hơn nữa trên toàn cầu.

Ông Ngô Việt Hồng- Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Việc lãnh đạo tỉnh định hướng đúng mũi nhọn thu hút vốn đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo, đã giúp ngành Thuế không bị “vỡ trận” vì tác động đa chiều của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ý chí nỗ lực duy trì hoạt động, giữ chân cán bộ nhân viên trong gần 2 năm qua của các doanh nghiệp vững mạnh, cũng giúp nền kinh tế của tỉnh cân bằng, sớm phục hồi sau nhiều đợt giãn cách.

HOÀNG THIÊN NGA

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh