THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:38

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2016 tại Lima, Peru

Diễn đàn Phụ nữ và kinh tế APEC được xem là một trong những Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành thường niên của APEC, được tổ chức luân phiên tại các nền kinh tế thành viên nhằm thảo luận những vấn đề cấp bách liên quan đến sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế; thúc đẩy thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong tất cả lĩnh vực chuyên môn của APEC; xác định các ưu tiên hành động và khuyến nghị chính sách trình lên các nhà Lãnh đạo APEC.

Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2016 tại Peru có sự tham gia của khoảng 500 đại biểu, bao gồm các Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách bình đẳng giới, phụ nữ, kinh tế, thương mại; đại diện các bộ, ngành; các chuyên gia; học giả; doanh nhân đến từ các nền kinh tế; các CEO của các tập đoàn, công ty đa quốc gia nổi tiếng ở châu Mỹ như Deloit, Johnson and Johnson, Microsoft...

Chủ đề xuyên suốt của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế năm 2016 là “Xóa bỏ các rào cản hội nhập kinh tế cho phụ nữ trong thị trường toàn cầu”, trong đó tập trung vào 5 nội dung chính là: 1) Phát triển các hệ thống chăm sóc nhằm điều tiết lại và giảm thiểu gánh nặng công việc gia đình không được trả công của phụ nữ; 2) Những thiệt hại kinh tế do bạo lực trên cơ sở giới gây ra; 3) Các cơ chế nhằm quốc tế hóa các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ; 4) Nâng cao kiến thức về kinh tế, tài chính để tiếp cận vốn; 5) Nâng cao kiến thức về kỹ thuật số để hòa nhập kinh tế.

 

Các nội dung này được xem xét thảo luận xuyên suốt tại 3 sự kiện chính của Diễn đàn là: 1) Đối thoại công – tư về phụ nữ và kinh tế; 2) Cuộc họp của Nhóm Đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế (PPWE); 3) Đối thoại chính sách cấp cao về phụ nữ và kinh tế. Bên cạnh việc gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, đối thoại giữa khu vực công và khu vực tư nhân, các nền kinh tế còn chia sẻ, đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng như: Hình thành chức danh Đại sứ APEC về phụ nữ và trẻ em gái (sáng kiến của Úc); xây dựng trang web tra cứu thông tin dành cho các nữ doanh nhân APEC; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (sáng kiến của Mỹ); kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia lãnh đạo (sáng kiến của Nhật Bản); giải thưởng vinh danh nữ doanh nhân của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong APEC (sáng kiến của Nga),…

 Trong 4 ngày làm việc, đoàn đại biểu Việt Nam tham gia tích cực và hiệu quả tại tất cả các sự kiện của Diễn đàn. Phát biểu tại phiên Đối thoại chính sách cấp cao, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã chia sẻ những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; chỉ ra những khó khăn và thách thức mà phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình phát triển; đồng thời kêu gọi Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC: Tiếp tục đề xuất những khuyến nghị chính sách nhằm xóa bỏ rào cản đối với sự hội nhập kinh tế của phụ nữ; thúc đẩy mạnh mẽ cam kết về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong APEC; tăng cường thực hiện các cơ chế và sáng kiến hiện tại cũng như các dự án, ý tưởng về lồng ghép giới và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của APEC; tăng cường trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn điển hình giữa các nền kinh tế về phụ nữ trong kinh tế.

 

Đặc biệt, với tư cách là Đồng Chủ tịch Diễn đàn năm 2016, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã có bài phát biểu thông báo chính thức về việc Việt Nam sẽ đăng cai Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC dự kiến vào tháng 9 năm 2017 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã khẳng định Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên để tổ chức thành công Diễn đàn APEC 2017. Thước phim ngắn giới thiệu về đất nước, con người và nền kinh tế Việt Nam vào cuối phiên họp với những hình ảnh đẹp Việt Nam năng động, hội nhập và đậm đà bản sắc dân tộc đã để lại ấn tượng cho các đại biểu tham dự.

 

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng có buổi làm việc song phương với Trưởng đoàn Úc bên lề Diễn đàn để thảo luận những ưu tiên chung và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên trong lĩnh vực bình đẳng giới; làm việc với Bộ Phụ nữ và Dân số yếu thế của Peru để học hỏi kinh nghiệm đăng cai tổ chức Diễn đàn; gặp gỡ, tiếp xúc xã giao Trưởng đoàn các nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Philippines,… Sau khi Diễn đàn kết thúc, Đoànđã tham gia họp báo do nền kinh tế chủ nhà chủ trì và Cuộc họp thường niên của hội đồng điều hành nhóm Đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế để cung cấp thêm thông tin về công tác chuẩn bị của Việt Nam APEC 2017.

Các hoạt động của Đoàn Việt Nam tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế 2016 đã để lại nhiều dấu ấn với đoàn đại biểu của các nền kinh tế APEC. Đoàn cũng đã đóng góp nhiều nội dung quan trọng cho Tuyên bố chung của Diễn đàn năm nay. Tuyên bố chung này sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC vào tháng 11 năm 2016 tại Li-ma, Pê-ru.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh