Đổ xô tìm lá trầu bán cho thương lái nước ngoài
- Huyệt vị
- 18:33 - 04/01/2015
Nghỉ việc đi hái lá trầu
Anh Đinh Văn K., người dân xã An Hòa cho biết: Thấy nhiều người đi hái lá trầu bán với số lượng lớn, có lãi vậy là tôi cũng quyết định làm theo. Cũng theo anh K, thương lái mua tất cả các loại lá trầu trừ lá khô, còn các loại lá nhỏ, lá sâu rách đều được mua với giá cao. Việc thu mua lá trầu không bắt đầu nhộn nhịp từ sau tết đến nay, thời điểm trước tết giá mỗi kg lá trầu chỉ từ 5000-7000 đồng với loại lá đẹp, nay giá được đẩy lên gấp cả chục lần, tới 45.000-50.000 đồng/kg. Anh Tín, một người dân thôn 3 xã An Quang cho biết, cả tháng nay anh đi hái lá trầu về bán thu được gần 4 triệu đồng số tiền không nhỏ với người nông dân như anh. “Lúc đầu ít người biết, nên mỗi ngày tôi hái lá trầu được rất nhiều. Có ngày thu hoạch được 50-60kg, bây giờ đi ráo riết cũng chỉ được khoảng 20kg/ngày, được vài trăm ngàn”-anh Tín cho biết.
Giá cao như thế nên người dân đã thu hoạch hết trầu không trong vườn nhà, quanh xóm làng. Những thân trầu không bị vặt trụi lá từ gốc đến ngọn, khi lá trầu quanh nhà không còn, người dân lại kéo nhau vào rừng tìm lá trầu rừng về bán theo kiểu “tận diệt”. Từ sáng sớm, người dân các xã đã mang theo cơm ăn, nước uống lũ lượt kéo nhau vào rừng. Khoảng 4 giờ chiều bắt đầu đem ra bán tại trung tâm xã. Hiện ở An Lão có 4 điểm thu mua lá trầu lớn, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là xã An Hòa. Ngoài những điểm này, các thương lái còn thu gom từ những đầu mối nhỏ ở các xã lân cận như An Quang, An Hưng.Anh Nguyễn Văn H. một người dân xã An Hòa cho biết: Hàng ngày có khoảng 6-7 xe ô tô thu gom lá trầu không, đem đi đâu thì tôi cũng không rõ. Tại điểm thu mua lá trầu không của chị T. nằm gần nhà văn hóa xã An Hòa, trung bình mỗi ngày gia đình chị thu mua từ 8 tạ đến 1 tấn lá trầu tươi. “Mặt hàng này đang bán rất tốt, có bao nhiêu thương lái cũng thu mua hết vẫn không đủ nguồn hàng để cung ứng”-chị T. cho biết. Tại xã An Quang có 3.373,64 ha rừng phòng hộ và trầu không được trồng, với việc thu mua lá trầu theo kiểu tận diệt như hiện nay, số diện tích cây trầu không chỉ còn trơ dây.
Coi chừng “tiền mất tật mang”
Vì quá ham số tiền thu được hằng ngày, nên nhiều gia đình đã bỏ bê việc đồng áng, nương rẫy, địu theo con nhỏ, dắt theo con lớn lùng sục để tìm trầu. Những dây trầu trồng ở mép và giữa rừng trên địa bàn nhanh chóng bị “vặt” sạch. Cây trầu không thuộc họ dây leo mọc trong rừng, để hái được loại lá này người dân phải leo trèo rất vất vả, để hái cho nhanh nhiều người đã không ngần ngại chặt hạ luôn cả cây, ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo vệ rừng. Trao đổi với báo chí trước sự việc này, ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã An Trung, lo lắng: “Việc người dân địa phương và các xã lân cận thu mua lá trầu không bán cho thương lái trong thời gian qua là hiện tượng bất bình thường.
Lá trầu được gom lại ngay ngắn chờ lái thương thu mua
Chúng tôi cũng đang tìm hiểu để ngăn chặn tình trạng này. Trước đây trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng thu mua cau khô, rồi cây cà gai leo bán cho các thương lái, làm ảnh hưởng đến đời sống-kinh tế của người dân!”. Tuy nhiên khi được hỏi, cả người dân, người thu mua lẫn chính quyền địa phương đều không biết lá trầu được thương lái thu mua với số lượng lớn để làm gì!Sự việc tại An Lão lá trầu rừng bỗng nhiên lên “cơn sốt” đã đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng. Bài học đắt giá nhãn tiền về các vụ việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản giá cao lúc đầu, rồi sau đó bỏ bê không mua, vẫn chưa cũ. Vậy nên, tình trạng người dân đổ xô lùng mua lá trầu rừng tại huyện An Lão rất cần được chính quyền địa phương, các ban, ngành quan tâm theo dõi, để có những định hướng kịp thời, đúng đắn cho người dân.
Ngoài việc dùng để ăn trầu, người dân còn dùng lá trầu giã nhỏ, để rửa những vết loét, mẩn ngứa, viêm mạch hạch huyết. Nước pha lá trầu không còn được dùng làm thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chữa bệnh chàm mặt ở trẻ em. Có nơi còn giã lá trầu không đắp lên ngực để chữa ho và hen. |