Đô thị Huế trực thuộc Trung ương luôn luôn mới nhưng phải chính là Huế
- Y học 360
- 14:02 - 30/12/2022
- Báo chí phản ánh kịp thời, toàn diện đời sống kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế
- Thừa Thiên Huế ban hành chương trình hành động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
- Huế khởi công dự án cầu vượt sông Hương có chiều dài thông thuyền và bề rộng lớn nhất Việt Nam
- Huế tìm cách “giải cứu” khu đô thị hiện đại trước vòng xoáy ngập lụt
Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022. Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở để tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Theo ông Phương, hiện nay Thừa Thiên Huế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định về đô thị hóa, hệ thống đô thị phát triển chậm. Vì vậy, trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng với một tầm nhìn mới nhằm đón đầu các xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc. Việc quy hoạch sẽ đảm bảo sự phát triển của tỉnh trong tương lai có hiệu quả và bền vững, nâng cao vị thế của Thừa Thiên Huế trong khu vực và cả nước.
Đại diện đơn vị tư vấn, Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các mục tiêu: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đến năm 2045, là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á”.
Đối với mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, theo ông Bạch Chơn Đông - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh có 2 phương án xây dựng các đơn vị hành chính (ĐVHC).
Phương án 1 sẽ có 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Theo đó, TP Huế hiện tại sẽ được chia làm 2 quận phía Bắc và quận phía Nam, đồng thời lập quận Hương Thuỷ trên cơ sở thị xã Hương Thuỷ hiện nay; thành lập thị xã Phong Điền; sáp nhập hai huyện Nam Đông và Phú Lộc; thị xã Hương Trà sẽ tiếp nhận thêm 1 ĐVHC cấp xã; giữ nguyên hiện trạng 3 ĐVHC cấp huyện: Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới.
Phương án 2 sẽ cụ thể tự phương án 1, giữ nguyên hiện trạng thị xã Hương Thủy (2 quận, 3 thị xã và 4 huyện).
Về tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, cũng có 2 phương án là Thành phố Huế hoặc Thành phố Thừa Thiên Huế; đồng thời dự kiến tên gọi các ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Đa số các ý kiến đều lựa chọn Thành phố Huế vì tên gọi này đã xuất hiện từ rất lâu.
Về chức năng đô thị, theo ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, quận phía Nam sẽ là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... của thành phố trực thuộc Trung ương; quận phía Bắc là nơi tập trung các di tích, di sản, nhà vườn... nên định hướng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà vườn.
Quận Hương Thuỷ được quy hoạch với vai trò đảm nhận chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm chức năng công nghiệp, là cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm Huế; cung cấp dịch vụ công cộng cho thành phố Huế và khu vực Hương Thủy; phát triển các chức năng cư trú, công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đây cũng được xác định là đầu mối giao thông của thành phố với khu vực và thế giới, đặc biệt là có sân bay Quốc tế Phú Bài.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu. Rất nhiều ý kiến cho rằng, bản dự thảo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, nhất là vai trò, thế mạnh, lợi thế so sánh riêng có, các trụ cột phát triển trong tương lai. Bản dự thảo cũng chưa xác định được vị trí của Thừa Thiên Huế đang ở đâu trong khu vực miền Trung và cả nước; chưa đánh giá được chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ cho kế hoạch tăng trưởng, phát triển; tính kết nối giữa các vùng phát triển chưa được thể hiện rõ; cần tính toán đến các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan,...
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Thừa Thiên Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang chạy dọc bờ biển, đó là di sản mà cả Đông Nam Á thèm khát. Do vậy, cần làm rõ, khai thác thế mạnh này nhiều hơn nữa, đồng thời cần hướng đô thị Huế về phía biển, và xây dựng đô thị vệ tinh xung quanh sân bay, khai thác tốt hơn hệ thống giao thông quốc gia; phát triển đô thị chân Mây - Lăng Cô…
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, việc quy hoạch, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phải dựa trên nền tảng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tài nguyên du lịch để hình thành một đô thị đẳng cấp.
TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch Công ty tư vấn NgoViet Architects & Planners thì cho rằng, cần quy hoạch phát triển bền vững Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị biển; cần tối ưu hoá các tiềm năng bảo tồn phát triển đô thị và nông thôn ven sông hồ - biển - đầm phá - đồi núi. Trong quy hoạch phải phát huy thế mạnh tài nguyên và phát triển kinh tế xã hội trong tương quan liên kết hợp tác vùng; hình thành hệ sinh thái phát triển các khu vực trọng điểm và các trục động lực phát triển; hài hoà mục tiêu bảo tồn (di sản quy hoạch kiến trúc, thiên nhiên), chỉnh trang và phát triển đô thị, tạo nên bản sắc đặc thù cho từng khu vực. Huế cũng cần thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích hợp tác công tư trong nước với nước ngoài, theo tư duy kinh tế thị trường; xây dựng nền tảng cho phát triển kinh tế số và đô thị thông minh, kết nối quốc gia và quốc tế. Noài ra, cần đảm bảo an cư lạc nghiệp cho người dân trong mọi giai đoạn thực hiện quy hoạch.
Ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 1990 - 1994) cho rằng, trong quy hoạch cần xem xét đến các yếu tố làm lợi cho dân cư, hạn chế việc tách, nhập, chuyển giao ĐVHC các cấp, làm khổ người dân.
Ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đề nghị, khi quy hoạch cần làm sao để Huế luôn luôn mới nhưng phải bảo vệ được các giá trị truyền thống, lịch sử của vùng đất. Quy hoạch mới phải có tính kế thừa quy hoạch truyền thống do cha ông để lại và phát huy được các giá trị di sản văn hoá thế giới, văn hoá Huế mà không nơi nào có được; nâng cấp lên ở một tầm cao mới, phát triển thành ngành công nghiệp văn hoá để tạo ra các giá trị kinh tế, phục vụ đời sống người dân. “Huế luôn luôn mới nhưng Huế phải chính là Huế”, ông Điềm nhấn mạnh.