THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:48

Diva Thanh Lam: “Thầy Tùng toàn yêu gái đẹp, chân dài… thôi”

Chị từng nói rằng: “Người nghệ sĩ ít khi có thể chịu đựng được sự cô đơn kéo dài?”. Vậy chị là người thân thiết với nhạc sĩ Thanh Tùng, chị đã chứng kiến ông yêu như thế nào?

Tôi biết đến thầy Tùng lúc thầy còn trai tráng, đẹp trai và phong độ lắm. Thời đó, có việc gì ông cũng “ới” hai “con chiên ngoan đạo” là Thanh Lam – Quốc Trung đến. Uống rượu vào phê cái là gọi hai “con chiên” này đến chơi. Quốc Trung ngồi vào đàn còn Thanh Lam hát, hát những bài của thầy. Đôi khi chúng tôi sống rất đơn giản. Chỉ cần vào một quán rượu có cái đàn thôi là có thể chơi tít mít, khuya quá về nhà thầy ngủ luôn. Lúc đó Bạch Dương còn rất bé, Bách và Thông thì đã lớn hơn.

Tôi có chứng kiến một vài mối tình và biết một vài người phụ nữ đã đi qua cuộc đời thầy Tùng vì tôi có thời gian dài gần gũi thầy. Thầy Tùng toàn yêu gái đẹp thôi. Em nào phải đẹp, chân dài… thầy mới yêu. Ở thầy Thanh Tùng, tôi nghĩ ông sống không thiếu tình yêu được...

Thanh lam bên mộ nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: TLam.

Chứng kiến cả những lúc ông yêu hẳn chị cũng chứng kiến cả những lúc ông vật vã vì cô đơn?

Sự cô đơn của thầy Tùng thể hiện rất rõ trong những bài hát của ông rồi. Âm nhạc không che giấu hoặc làm màu được, con người họ như thế nào thì hiện lên trong âm nhạc như thế đó. Tất cả sự cô đơn của ông được ông trút hết vào âm nhạc.

Nỗi cô đơn của người đàn ông và đàn bà khác nhau. Mình không ví đời sống tình cảm người phụ nữ giống với cánh đàn ông được nhưng rõ ràng mọi thứ trong đời sống này đều theo một quy luật cả.

Tôi không nói người nghệ sĩ ít khi có thể chịu đựng được sự cô đơn mà người nghệ sĩ bắt buộc phải có sự cô đơn đó ở trong mình. Thật ra, khi mình biểu diễn, khi đứng trước đám đông… tôi thích sự cô đơn lắm. Cuộc đời mà không có sự cô đơn thì chán cực kỳ luôn, rất là nhạt nhẽo. Sự cô đơn ở gốc độ nào đó cũng rất tích cực, không có nghĩa tiêu cực đâu. Hồi trẻ tôi sợ sự cô đơn còn bây giờ cần phải có những khoảng trống đó để xoay lại nhìn vào bên trong mình. Tôi nghĩ sự cô đơn rất cần thiết với một nghệ sĩ.

Nhưng nhìn vào chị chẳng ai có thể nhìn thấy cái sự cô đơn cần thiết ấy cả?

Có chứ. Chẳng nhẽ những lúc cô đơn tôi lại bô lô ba la lên rằng “Tôi cô đơn lắm à?”. Thực ra, những lúc tôi hát là những lúc tôi cô đơn đấy. Đó là lúc tôi đang đối diện với bản thể của mình.

Lúc sinh thời nhạc sĩ Thanh Tùng có chia sẻ rằng có những thời điểm ông phải vượt qua sự “khủng hoảng” của bản thân. Vậy khi chứng kiến những phút giây ông đứng trong “khủng hoảng” đó, chị cảm thấy thế nào?

Lúc thầy ốm rất nặng, phải đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, tôi có gọi cho con trai trưởng của thầy là Bách để hỏi có thể vào thăm ông được không. Sau đó tôi và hai người bạn nữa vào thăm thầy tại bệnh viện. Trước đó, tôi có gọi điện rủ Quốc Trung nhưng anh ấy từ chối không đi. Anh nói thật mà nghe thương lắm, anh bảo: “Anh không đi đâu vì anh cứ thăm ai là người đó chết” (nghẹn ngào).

Diva Thanh Lam trong một lần đến thăm nhạc sĩ Thanh Tùng lúc ông còn chữa bệnh trong bệnh viện. Ảnh: TLam.

Tôi vào, nhìn thấy thầy tôi rất thương. Bởi vì thời trai trẻ của thầy, ông là là người rất phong độ, nhiều cô mê. Vậy mà giờ nhìn ông nằm đó một mình rất cô đơn. Hồi đó các con vẫn mỗi người một nơi.

Đặc biệt, tôi ám ảnh bởi đôi mắt của ông lúc đó. Ánh mắt của ông như ánh mắt của một con chim đại bàng ấy, rất mạnh mẽ và yêu đời. Tôi có ghé tai nói với thầy ý định cùng với Quốc Trung làm đêm nhạc cho ông, ánh mắt ấy ngời sáng. Khi tôi nói sẽ rủ thêm Tùng Dương và Hà Trần hát cùng ông gật đầu và giơ ngón tay ám chỉ đồng ý. Nhưng chúng tôi chưa kịp thực hiện thì ông qua đời. Vì thế, liveshow “Trái tim không ngủ yên” lần này là dịp tôi cùng các cộng sự thực hiện điều đã hứa và tôi tin chúng tôi sẽ làm bằng tất cả sự biết ơn và kính trọng dành cho nhạc sĩ Thanh Tùng.

Đã bao giờ chị bị nhạc sĩ Thanh Tùng trách mắng vì một điều gì đó?

Xuất thân là dân Lý – Sáng – Chỉ (Lý luận, sáng tác và chỉ huy) nên ông rất giỏi. Ông nhìn thấy khả năng của từng nghệ sĩ. Khi tôi làm việc với thầy, thầy rất dễ dàng. Hát thế nào thầy cũng đồng ý. Chỉ có một lần thế này mà tôi bị thầy mắng. Tôi thì hay có tật đổi ngôi, nghĩa là khi hát các ca khúc về tình yêu thì tôi hay xưng là “em”, kiểu như em nói với anh. Đổi như thế nó sẽ hợp lý hơn vì mình là con gái, phụ nữ mà. Và cái lần đó tôi hát bài “Em và tôi” của thầy nhưng không biết chập cheng thế nào lại đổi câu “Anh và tôi” thành “Em và anh”… Thế là thôi, hôm đó cực kỳ khủng khiếp. Thầy vô cùng bực mình, thầy quát ầm lên: “Mày hát thế này là mày giết tao đấy…”. Chỉ lần duy nhất đó là thầy nổi nóng với tôi thôi.

Thực lòng là tôi vẫn luôn thầm cám ơn thầy vì nhờ thầy đã tạo nên những khuông nhạc để tôi phát triển con đường âm nhạc của mình. Có ngôn ngữ âm nhạc của mình.

Thanh Lam nghẹn ngào khi kể lại giây phút cuối cùng gặp người thầy của mình trong bệnh viện. Ảnh: HBN.

Vậy chị nghĩ sao về âm nhạc của Thanh Tùng?

Tôi nghĩ, những tác phẩm âm nhạc của ông từ xa xưa vẫn là nỗi ám ảnh của đời sống. Nói ra đôi khi lại bị nghĩ là mê tín nhưng tôi thấy âm nhạc của thầy Tùng rất giống với cuộc đời ông. Thật ra đơn giản cũng dễ hiểu thôi vì những tác phẩm của người nhạc sĩ chính là đời sống của họ và khi viết nên ca khúc cũng chỉ là vô tình trở thành câu chuyện của cuộc đời. Tôi từng chứng kiến thầy Tùng sáng tác bài hát “Trái tim không ngủ yên” như thế nào. Khi viết xong thầy cầm bài hát lên nhưng không biết đặt tên gì. Thầy đưa cho tôi xem, tôi hát mất câu và nhớ là hôm qua thầy vừa nhắc đến cái tên “Trái tim không ngủ yên” thế là bảo thầy lấy tên đó luôn. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi đặt tên cho đêm nhạc tới đây là “Trái tim không ngủ yên”. Tôi luôn có cảm giác như ông vẫn luôn hiện hữu trong âm nhạc của tôi. Vì tôi hát rất nhiều tác phẩm của ông. Đến giờ tôi vẫn hát: Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân..

Chương trình lần này theo tôi là rất hay nhưng tiếc là đêm đầu tiên đã bán hết sạch vé rồi. Vì tiếc nên chúng tôi mới quyết định tổ chức thêm một đêm nữa đáp lại sự mong đợi của công chúng.

Cám ơn chị đã chia sẻ thông tin.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh