Đình làng truyền thống: Những điều còn, mất…
- Văn hóa - Giải trí
- 17:47 - 04/08/2015
Theo Ban tổ chức, cuộc triển lãm sẽ giới thiệu tinh hoa văn hóa đình làng Việt thông qua hơn 100 bức ảnh thực tế, do các thành viên của nhóm Đình làng Việt chụp tại nhiều di tích, không gian văn hóa đình làng khu vực phía Bắc, như: Tây Đằng, Lỗ Hạnh, Phù Lão, Chu Quyến… Triển lãm đề cập đến hiện trạng biến đổi của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong đình làng truyền thống Việt Nam, những hư hại nghiêm trọng, biến dạng các giá trị truyền thống và nguy cơ biến mất của các ngôi đình cổ thông qua các hoạt động triển lãm, tọa đàm, chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành về di tích và văn hóa truyền thống... . Hy vọng, qua sự kiện này, các di tích đang bị xuống cấp sẽ được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trùng tu, tôn tạo.
Ngôi đình Việt Nam cổ kính, trang nghiêm và là công trình kiến trúc văn hoá mang tính dân tộc. Kiến trúc đình làng vì vậy cũng mang đậm dấu ấn văn hoá độc đáo, tiêu biểu cho điêu khắc truyền thống. Đình thường cao ráo, thoáng mát, được dựng lên bằng những cột lim tròn, to và thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Kèo, xà ngang, xà dọc được làm bằng gỗ lim, tường xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói múi hài 4 góc, có 4 đầu đao cong vút lên như đuôi chim phượng uốn cong. Sân đình lát gạch, trước đình có hai cột đồng trụ vút cao, trên đình có một con nghê. Gian giữa có hương án thờ vị thần của làng. Chiếc trống cái được đặt trong đình để vang lên theo nhịp trống ngũ liên, thúc giục người dân về đình tụ tập để bàn tính công việc của làng, của nước. Có thể nói, đình làng gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng, xã. Bên cạnh đó, đình làng cũng là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn với đặc thù người dân nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là nơi ở, là cuộc sống của những người nông dân Việt Nam.
Nhóm Đình làng Việt trong một chuyến điền dã. Ảnh minh họa.
Trong khuôn khổ triển lãm, văn hóa làng sẽ được tái hiện qua nhiều hoạt động cộng đồng, như: Bữa cơm “hội làng” tập hợp văn hóa ẩm thực của nhiều địa phương do các thành viên Đình Làng Việt chuẩn bị, biểu diễn một số loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc: Diễn xướng hội làng, hát xoan (Phú Thọ), trình diễn nghệ thuật điêu khắc, chạm, khảm của các nghệ nhân từ các làng nghề truyền thống Chàng Sơn, Đồng Kỵ...
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban tổ chức cho biết: “Đời sống con người thay đổi nhanh chóng khiến các giá trị văn hóa dưới mái đình làng gắn với đời sống, tinh thần người dân, đặc biệt khi văn hóa làng xã dần mai một và biến mất. Triển lãm “Đình Làng Việt - Những điều còn, mất” là tâm huyết của gần 4.000 thành viên trong nhóm Đình làng Việt, nhằm chia sẻ cho công chúng một góc nhìn khái quát, nét đặc sắc trong không gian văn hóa, kiến trúc, điêu khắc đình làng Việt Nam, đồng thời mô phỏng chân thực hiện trạng thay đổi, biến dạng, xuống cấp của các di tích đình làng truyền thống tại nhiều địa phương. Triển lãm nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ di tích đình làng nói riêng, di sản nói chung, tạo sức lan tỏa, hướng cộng đồng đặc biệt là giới trẻ tìm hiểu, gìn giữ và truyền bá văn hóa truyền thống dân tộc”.