Định kiến giới dẫn tới tư tưởng “bình thường hóa” hành vi bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái
- Dược liệu
- 21:38 - 27/03/2019
Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) Trần Bích Loan.
* Bà đánh giá như thế nào về mức phạt 200.000 đồng cho hành vi quấy rối tình dục xảy ra trong thang máy của tòa nhà Golden Palm (Hà Nội)?
Sau việc xử phạt một nam công chức có hành vi sàm sỡ nữ đồng nghiệp trong phòng làm việc xảy ra ở Quảng Trị thì đây là vụ việc thứ 2 cơ quan chức năng áp dụng mức phạt hành chính 200.000 đồng kèm theo một bản cam kết không tái phạm để xử lý người có hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Mức phạt này được áp dụng theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Do vậy, mức phạt này chưa thỏa đáng, hoàn toàn không mang tính răn đe, thậm chí có phần dung túng cho người phạm tội và gây phẫn nộ trong dư luận những ngày vừa qua.
Lý do cơ quan chức năng chỉ có thể áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" để xử lý đối tượng có hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng cũng là do hiện nay pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về quấy rối tình dục. Năm 2018, sau vụ việc xảy ra ở Quảng Trị, Vụ Bình đẳng giới đã tổ chức 2 Hội thảo “Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái: khoảng trống trong chính sách và dịch vụ” cũng đã chỉ ra những khoảng trống trong quy định của pháp luật hiện hành là các quy định còn chung chung, chưa rõ nội hàm của hành vi quấy rối tình dục và những khó khăn trong việc thu giữ và bảo quản chứng cứ đối với các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục. Do những điểm bất cập này mà việc xử lý chưa thể thỏa đáng và chưa bảo vệ được quyền lợi của nạn nhân.
* Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế quấy rối tình dục nơi công cộng, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Bạo lực trên cơ sở giới nói chung, bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái nói riêng được xem là vấn đề nổi cộm các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và đang triển khai thực hiện Đề án phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11-15/12 hàng năm; tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho cán bộ, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất; triển khai thí điểm một số mô hình phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới... Thông qua việc triển khai các hoạt động, giải pháp nêu trên, nhận thức của người dân và các cơ quan, tổ chức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã được nâng lên.
Tuy nhiên, với một nền văn hóa Nho giáo lâu đời, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến và chưa thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều. Bất bình đẳng về quyền lực, vị trí giữa nam giới và phụ nữ chính là nguyên nhân cốt lõi của bạo lực trên cơ sở giới. Điều này cũng dẫn tới tư tưởng “bình thường hóa” vấn đề bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái còn khá phổ biến trong nhận thức của nhiều người.
* Năm 2019 được TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chọn là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”, vậy với mức phạt 200 nghìn đồng đối với hành vi quấy rối tình dục này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới nói chung và đảm bảo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái nói riêng?
Sự việc xảy ra vừa rồi tại khu căn hộ cao cấp Golden Palm đã phản ánh những tồn tại, khoảng trống trong quy định của pháp luật nhưng đồng thời cũng cho thấy những điểm tích cực, tiến bộ trong công tác truyền thông cũng như trong nhận thức của người dân. Cụ thể như: Bản thân nạn nhân không cam chịu việc bị bạo lực, quấy rối và chủ động lên tiếng tố cáo với cơ quan chức năng. Không có các tin bài khai thác khía cạnh đời tư của nạn nhân. Các tin bài tập trung vào hành vi phạm tội, lên án người phạm tội mà không tạo dư luận, lôi kéo công chúng vào các tình tiết khác để bênh vực, làm giảm nhẹ tội hay biện minh cho hành vi sai trái của thủ phạm. Dư luận xã hội đã lên án gay gắt, không chấp nhận hành vi của thủ phạm; cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh, thông tin và kêu gọi tẩy chay đối tượng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nạn nhân không cô đơn, không bị cô lập, xa lánh, kỳ thị. Câu chuyện của bạn nữ sinh không còn là chuyện riêng tư mà là vấn đề của xã hội. Việc áp dụng mức phạt 200 ngàn đồng cũng đã tạo sự quan tâm rộng khắp của dư luận với thái độ bất bình và dẫn tới việc có hàng ngàn người tham gia ký kiến nghị gửi Quốc hội để đề nghị sửa luật trong một thời gian rất ngắn. Đây là việc làm cần phát huy vì chính nó mới giải quyết được gốc của vấn đề và để hành vi xấu này không còn tiếp diễn.
Phản ứng của dư luận xã hội đối với vụ việc này như một thước đo về sự thay đổi nhận thức và thái độ của cộng đồng đối với tình trạng bạo lực, quấy rối, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Sự thay đổi ngày một tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, tạo tiền đề để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, bạo lực với phụ nữ và trẻ em nói riêng.
* Vụ Bình đẳng giới sẽ có những giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới?
Để làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, trong thời gian tới Vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới; tiếp tục xây dựng và thực hiện thí điểm các mô hình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như Mô hình địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh ở cộng đồng; cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; thành phố/làng quê an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em; trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực; phòng, chống bạo lực ở nơi làm việc,… để cung cấp thêm bằng chứng, cơ sở khoa học và thực tiễn trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới nói chung, quấy rối tình dục nói riêng. Các quy định đưa ra sẽ phải rõ nội hàm, cụ thể cho từng hành vi để có thể dễ dàng thu thập chứng cứ và xử lý.
Xin trân trọng cảm ơn bà!