CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:21

Cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho trẻ lúc giao mùa

 

Với điều kiện thời tiết giao mùa và thất thường như hiện nay, số lượng trẻ nhập viện ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở những bệnh viện lớn như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai)… Chính tình trạng này khiến cho tình trạng quá tải tại các phòng khám ở các bệnh viện lớn ngày càng trầm trọng.

Đừng vội vàng đưa trẻ đến viện khi chớm ho, sốt

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa Nhi (BV Bạch Mai), đa số các trẻ đến khám đều mắc các căn bệnh về tiêu hóa và hô hấp trên, viêm phổi và một số trường hợp mắc sốt xuất huyết…

Qua quá trình khám cho các bệnh nhi, các bác sĩ nhận định, nhiều trẻ nhỏ chỉ với các triệu chứng như hơi sốt, sổ mũi hoặc ho, phụ huynh vì quá lo lắng nên đã đưa con nhập viện thăm khám, điều này dẫn đến quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

Không chỉ gây quá tải, mà việc đưa trẻ đến bệnh viện trong điều kiện thời tiết như hiện nay, ngoài những trở ngại về mặt thời tiết thì nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh từ trẻ này sang trẻ khác là rất lớn. Đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm.

Viêm phế quản, viêm phổi, viêm hô hấp trên,... là những chứng bệnh các trẻ nhỏ thường xuyên mắc phải khi thời tiết chuyển rét.


Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo, đối với những trẻ có biểu hiện nhẹ như đã kể trên, thì nên đưa vào các bệnh viện tuyến cơ sở để thăm khám hoặc có thể chăm sóc tại nhà dưới sự tư vấn của các bác sĩ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trường khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, trong những ngày thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, trẻ em nhập viện thường tăng đột biến so với ngày thường. Các bệnh trẻ hay mắc phải do thời tiết là viêm đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa với những biểu hiện như sốt, ho, tiêu chảy…

Theo đó, trẻ mắc bệnh về đường hô hấp chủ yếu là viêm họng, đau họng. Khi mắc bệnh trẻ thường có biểu hiện sốt, ho, nhiều đờm gây khó thở. Nếu trẻ sốt, phụ huynh nên chườm khăn ấm vào trán, cổ, bẹn cho con, cho bé mặc thoáng mát, tuyệt đối lưu ý khi sử dụng điều hòa nhiệt độ trong khoảng thời gian này.

Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý bệnh viêm đường hô hấp do virus, bởi đây là bệnh rất nguy hiểm hay xảy ra biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Bởi vậy, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo đúng phac đồ. Tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh điều trị cho trẻ khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ.

Cần bổ xung dinh dưỡng hợp lý

Ngoài ra, để đề phòng bệnh cho trẻ trong điều kiện thời tiết giao mùa như hiện nay, vấn đề dinh dưỡng cũng vô cùng quan trọng. Ths.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mùa đông xuân thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển. Do vậy có nhiều căn bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân này.

“Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp đề kháng bệnh tật ở trẻ. Cháu nào được nuôi dưỡng tốt, không bị suy dinh dưỡng thì hệ miễn dịch tốt, nếu có mắc cũng nhanh khỏi hơn. Còn cháu nào bị suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch yếu dẫn đến sức đề kháng kém, sẽ khiến vi khuẩn dễ tấn công và dễ mắc bệnh hơn”, Ths Hải nói.

Do vậy, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất tốt với sức khoẻ của trẻ, giúp trẻ đề kháng bệnh, miễn dịch với bệnh hoặc nếu có bị bệnh cũng chóng khỏi hơn. Để tăng cường sức đề kháng trong mùa đông, tất cả trẻ em cần thực phẩm tăng cường sức khoẻ.

Vấn đề đầu tiên là năng lượng: trẻ em thiếu năng lượng sẽ mệt, không muốn vui chơi. Chính vì vậy, chúng ta cần cung cấp đủ đạm. Khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập, chúng ta cần chống lại tác nhân gây bệnh nhờ protein miễn dịch. Như vậy, miễn dịch bản chất là protein. Ở trẻ suy dinh dưỡng, do thiếu hụt năng lượng, kháng thể ít hơn, nên khả năng chống chọi bệnh tật thấp hơn.

Các vitamin và khoáng chất rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Vitamin A, vitamin C, kẽm, sắt, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hệ hệ miễn dịch cho trẻ em.

Trẻ còi xương thiếu vitamin D, mà vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển của  xương cũng như giúp hệ miễn dịch tốt. Sắt trong thực phẩm cũng rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, probiotic là chất mà các bà mẹ có thể bổ sung cho cháu để tăng cường hệ miễn dịch, như sữa chua chẳng hạn.

Ngoài ra, bú sữa mẹ là điều vô cùng quan trọng. Sữa mẹ ngoài cung cấp các vitamin cần thiết, còn tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Vì vậy mẹ phải cho con bú để tăng cường hệ miễn dịch.

Như vậy, lời khuyên dinh dưỡng là chúng ta cần ăn đủ, đủ đạm, thừa đạm cũng không tốt vì có thể gây táo bón. Ngoài ra, cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, sắt, kẽm để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Những biểu hiện trẻ trở nặng cần đưa tới bệnh viện để được thăm khám:

- Bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú.

- Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã cho trẻ hạ sốt tích cực.

- Trẻ bị co giật, lừ đừ hoặc hôn mê.

- Trẻ thở khác ngày thường: thở nhanh, thở mệt, thở co lõm ngực hoặc tím tái.

Cách phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ nhỏ:

- Đảm bảo cho trẻ có sức đề kháng tốt bằng cách ăn uống đủ thành phần dinh dưỡng (tinh bột, vitamin, muối khoáng, chất béo…)

- Chế độ ăn phù hợp theo lứa tuổi

- Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng Quốc gia.

- Giữ ấm cho trẻ, không để trẻ quá nóng hoặc quá lạnh

- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ

- Cha mẹ nên ngừng hút thuốc và giữ cho ngôi nhà thông thoáng và sạch sẽ.

- Hạn chế đưa con đến những nơi đông người trong mùa dịch.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh