Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em trong lứa tuổi vàng
- Sức khỏe
- 00:24 - 18/09/2017
Nắm được thực tràng này, ngày 16/9, Công đoàn các KCN và CX Hà Nội phối hợp với Quỹ Vì tầm vóc Việt tổ chức truyền thông về “Cải thiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong lứa tuổi vàng cho người lao động” tại Khu công nghiệp Thăng Long.
Phó chủ tịch Công đoàn các Khu CN và CX Hà Nội Trần Thu Phương cho biết: Với đặc thù công việc bận rộn, hằng ngày phải làm việc trong các nhà xưởng, công nhân lao động ít có điều kiện tiếp xúc với các nguồn thông tin, kiến thức về mang thai, chế độ dinh dưỡng trong thời gian mang thai; chế độ dinh dưỡng cho trẻ và tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nắm bắt được thực trạng trên, Công đoàn các KCN và CX Hà Nội đã phối hợp với Quỹ Vì Tầm Vóc Việt liên tục tổ chức các buổi truyền thông về các chủ đề trên tại công đoàn cơ sở. Tại buổi truyền thông cho gần 200 công nhân lao động đang làm việc tại Cty FujiKin Việt Nam, TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề Viện Dinh dưỡng Quốc gia trình bày các kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ. Đặc biệt dinh dưỡng cho trẻ em ở lứa tuổi vàng (0-12 tuổi).
Các công nhân được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong giai đoạn vàng.
Theo bác sĩ Nhung, dinh dưỡng hợp lý từ khi mang thai hết sức quan trọng. Trong thời kỳ mang thai người mẹ cần tăng thêm năng lượng: 50 kcal trong 3 tháng đầu, 250 kcal ở 3 tháng giữa và 450 kcal 3 tháng cuối. Các bà mẹ cũng cần bổ sung chất đạm, vitamin, chất khoáng, các yếu tố vi lượng và bổ sung viên sắt. Ngay từ khi bắt đầu có thai, các bà mẹ nên uống viên sắt và uống liên tục trong suốt thời kỳ có thai đến một tháng sau sinh.
Cũng theo bác sĩ Nhung, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh và thích hợp nhất đối với trẻ. Sữa mẹ tăng cường sức đề kháng của trẻ, thuận lợi, kinh tế và gắn kết tình cảm mẹ, con. Các bà mẹ cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh. Phải để trẻ được bú sữa đầu của mẹ (màu vàng và đặc) và sữa cuối. Nếu muốn trẻ được bú sữa cuối thì mẹ phải cho con bú kiệt từng bên. Khi trẻ bị bệnh như tiêu chảy càng cho trẻ bú nhiều càng tốt. Cho trẻ bú thường xuyên sẽ giúp mẹ nhanh xuống sữa và sản xuất sữa nhiều hơn.
Đặc biệt để có nhiều sữa phải chuẩn bị dinh dưỡng tốt từ khi mang thai, phải ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, uống nhiều nước. Bác sĩ Nhung lưu ý khi đến tuổi ăn dặm, mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung hợp lý. Đó là thức ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều; sử dụncg thức ăn tươi sạch có ở địa phương, không cho trẻ ăn mì chính. Số bữa ăn phù hợp với độ tuổi. Khi trể bị ốm cần cho trẻ ăn nhiều hơn, ăn nhiều bữa một, ăn lỏng hơn, dễ hấp thụ…
Cũng theo bác sĩ Nhung, hậu quả thiếu vitamin A, trẻ còi cọc giảm khả năng nhìn lúc ánh sáng yếu; tổn thương giác mạc dẫn đến mù loà; trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Vitamin tan trong dầu nên phải có dầu mỡ mới hấp thụ được vitamin A. Phòng chống thiếu Vitamin A, không gì tốt bằng chế độ ăn. Trong đó vai trò của sữa tươi và chế phẩm sữa đối với sự phát triển của trẻ rất quan trọng. Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Có hàm lượng canci cao và có các chất khoáng, vitamin khác nhau. Đặc biệt sữa chua có thẻ giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, bảo vệ hệ tiêu hoá, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng...
Tại buổi truyền thông, chị Nguyễn Thị Thu Thảo - công nhân Công ty FuJiKin Việt Nam đang mang bầu ở tháng thứ 7, cho biết: "Chúng tôi học hỏi được rất nhiều kiến thức về dinh dưỡng hợp lý qua buổi truyền thông này. Thông qua chuyên gia, chúng tôi hiểu rằng mình còn thiếu nhiều kiến thức về dinh dưỡng cho mẹ mang thai và nuôi con nhỏ. Vai trò của dinh dưỡng thật sự quan trọng đối với sức khoẻ. Đặc biệt để có nhiều sữa nuôi con nhỏ cần phải chuẩn bị dinh dưỡng tốt từ khi mang thai, phải ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, uống nhiều nước, sữa…".
Công nhân Nguyễn Thị Tuyến phấn khởi cho biết, buổi truyền thông đã giúp cô có thêm rất nhiều kiến thức để chuẩn bị cho lần đầu được làm mẹ. Tuyên cho biết, cô có thể áp dụng được ngay những kiến thức về dinh dưỡng cho con ngay từ khi con bắt đầu ăn bổ sung để con quen với các loại thực phẩm... .