THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:59

Nhiều nữ công nhân thiếu kiến thức dinh dưỡng và sức khỏe sinh sản

 

Đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu Trang, nhân viên y tế công ty Nissei Hà Nội tại buổi tập huấn Kỹ năng tổ chức truyền thông về thực hành dinh dưỡng hợp lý, nuôi con và chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục cho lao động nữ tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) do Công đoàn các KCN&CX Hà Nội phối hợp với Tập đoàn TH và Quỹ vì Tầm vóc Việt tổ chức.

Theo bà Lưu Thị Lịch, Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), dinh dưỡng là yêu tố quyết định đối với sự phát triển của thai nhi và đứa trẻ sau này. Tuy nhiên, hiện nay nữ công nhân đang gặp rất nhiều vấn đề về dinh dưỡng từ trước, trong và sau khi mang thai. “Trước khi mang thai, nữ công nhân thiếu thời gian chuẩn bị bữa ăn đủ dinh dưỡng cho bản thân do phải làm việc, tăng ca để mưu sinh. Họ cũng thiếu kiến thức về dinh dưỡng, tài chính hạn hẹp, lại chưa có thói quen tìm hiểu thông tin, chuẩn bị bữa ăn đủ chất dinh dưỡng. Nữ công nhân không có thói quen chuẩn bị tốt sức khỏe trước khi có bầu, chưa khám sức khỏe và tiêm phòng. Nhiều chị em còn chủ quan, ngại đi khám và kiểm tra sức khỏe”, bà Lịch phân tích.


Công nhân hào hứng tham gia thảo luận về sức khỏe sinh sản và thực hành dinh dưỡng.

 

Trong thời gian mang thai, đa số chị em không ăn được do ốm nghén, kiêng cữ quá nhiều do sợ ảnh hưởng đến thai nhi, không bổ sung đủ vitamin và khoáng chất. Sau sinh, sản phụ kiêng khem nhiều thứ dẫn đến thiếu chất, lo sợ chất lượng thực phẩm. Thậm chí, nhiều sản phụ ăn theo thói quen và sự quyết định của người nhà. Theo bà Lịch, dinh dưỡng là yếu tố quyết định sự phát triển của bào thai; hình thành và phát triển não bộ, hoàn thiện hệ thần kinh; tạo ra sữa trong thời kỳ mẹ cho con bú và dinh dưỡng đóng vai trò quyết định sự lớn lên của trẻ sau khi được sinh ra.

Về khía cạnh sức khỏe sinh sản – tình dục, bà Đinh Phương Nga (Hội Y tế Công cộng) cho biết, hiện nay chưa có các chương trình giáo dục toàn diện về sức khỏe sinh sản ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, nhiều nữ công nhân thiếu kiến thức về các biện pháp tránh thai, tình dục an toàn. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có đủ tài liệu truyền thông và giáo dục trong các nhà máy. Hơn nữa, công nhân ít có thời gian tham gia các hoạt động truyền thông do phải tăng ca. Nhiều nữ công nhân chưa tiếp cận được với chương trình chăm sóc SKSS-TD ở địa phương nên thiếu kiến thức. Một khảo sát cho thấy có tới 13,3% nữ công nhân từng phá thai, một số trường hợp đã phá thai nhiều lần.

 

Những vấn đề công nhân quân tâm về dinh dưỡng cho trẻ em.

 

Để hỗ trợ nữ công nhân, bà Nga cho rằng các công ty, chính quyền địa phương cần tổ chức nhiều hơn các buổi truyền thông về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản – tình dục. Theo đó, có thể mời các chuyên gia trong từng lĩnh vực đến nói chuyện với công nhân; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các chủ đề dinh dưỡng, nuôi con, chăm sóc sức khỏe sinh sản – tình dục; tổ chức các buổi giao lưu văn hóa giữa các công ty, nhà máy, KCN; xây dựng các CLB về dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản – tình dục; lồng ghép chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản – tình dục vào chương trình đào tạo nghề và tại nơi làm việc cho nữ thanh niên, công nhân. Đồng thời, cần cải thiện hệ thống y tế giúp nữ công nhân tiếp cận được các dịch vụ sức khỏe sinh sản – tình dục với chi phí chấp nhận được.

Theo bà Trần Thu Phương, PCT Công đoàn KCN&CX Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có 9 KCN, Khu chế xuất và khu công nghệ cao, thu hút 144.428 người lao động. Riêng KCN Thăng Long có 85 doanh nghiệp đang chính thức hoạt động với tổng số gần 70.000 lao động. Đây là KCN tập trung 70% lao động là nữ, phần lớn ở trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, nhiều nữ công nhân còn hạn chế về nhận thức và kỹ năng thực hành về các vấn đề liên quan dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản – tình dục. Điều này có thể gây ra những hệ lụy và rủi ro tiềm ẩn với sức khỏe và sự phát triển của con em họ.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh