THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:18

Đinh Công Tường và triết lý: Sống là cho mà không mong nhận lại

Từ người bán báo rong trở thành kỷ lục gia

Trong giới sưu tập đồ cổ Việt Nam, Đinh Công Tường là một trong những cái tên rất quen thuộc. Hiện anh là người đang giữ 3 kỷ lục: Người sở hữu bộ sưu tập lộc bình xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam với hơn 5000 chiếc (2014); Người sở hữu bộ sưu tập đĩa cổ xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam (2015); Người sở hữu bộ sưu tập bát (tô) cổ số lượng nhiều nhất Việt Nam (2016) và bộ sưu tập đồ gốm, sứ của anh đã vượt quá con số 100.000 cổ vật. Nhưng người ta biết nhiều về anh, quý mến anh không hẳn chỉ vì thế.

Kho đồ cổ.

Đinh Công Tường am hiểu và thích sưu tầm đồ cổ, nhất là gốm, sứ từ khi còn nhỏ. Là bởi, ông bà nội, ngoại anh đều là những người mê đồ cổ. Nhưng để thực hiện được ước mơ có một bảo tàng riêng về đồ cổ của Tường là điều không dễ. Sau ngày miền Nam giải phóng, năm 1976, anh cùng bố mẹ về sống tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống khó khăn, chưa đầy 10 tuổi, Tường đã phải bươn chải vừa đi học vừa lo bán báo dạo để kiếm tiền phụ gia đình. Rồi anh đi bộ đội. Sau 3 năm sống đời quân ngũ, đóng quân ở biên giới Campuchia, trở lại đời thường ước mơ sưu tầm để có bộ sưu tập đồ cổ của anh lại cháy bỏng hơn bao giờ hết. Không ai ngờ “Vua đồ cổ” Đinh Công Tường đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng một sự mạo hiểm rất khác người. Sưu tập đồ cổ, nhất là đồ gốm, sứ, ngoài sự say mê đòi hỏi nhà sưu tập phải có thứ nhất là sự hiểu biết sâu sắc, thứ hai là khả năng tiếp cận với nguồn đồ cổ và thứ ba là phải có tiền, nhiều tiền. Với Tường lúc đó, ngoài sự say mê và sự tường tận về cổ vật, thì anh chả có gì. Và Tường quyết định sáng đi bán báo rong, trưa tranh thủ bán nước sâm lạnh, chiều la cà khắp hang cùng ngõ hẻm gom cây cảnh và tìm nguồn cổ vật. Cây cảnh anh mua được với giá rất rẻ, thậm chí có người còn cho không vì sau khi trưng xong thì bỏ, do không có chỗ để, nhưng nhờ công chăm sóc và cách tạo dáng, tạo thế của anh đã trở thành những “tác phẩm nghệ thuật” độc đáo được mua với giá khá cao. Sau một thời gian, tài trồng hoa, cây kiểng của Đinh Công Tường được nhiều người biết đến. Không ít khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công sở, người có tiền đến đặt hàng của anh. Và từ tiền bán cây cảnh anh đã có điều kiện thực hiện ước mơ của mình - sưu tập đồ cổ.

Độc bình cổ.

Đĩa cổ.

Đến nay, sau hơn 20 năm ra Bắc vào Nam lên Tây Nguyên, cứ nghe ở đâu có đồ cổ có giá trị là đi, Đinh Công Tường đang sở hữu bộ sưu tập đồ gốm sứ đồ sộ, trong đó rất nhiều hiện vật được coi là vô giá. Giới sưu tầm đồ cổ quý anh vì cách giao tiếp thân thiện, cởi mở, phục anh vì tài nhận biết một cách nhanh và chính xác giá trị của cổ vật. Và còn vì anh là người luôn coi trọng chữ tín, đặc biệt là mê đồ cổ đến mức chỉ muốn thu vào chứ không chịu bán ra nhưng lại sẵn sàng tặng nếu đó là người biết trân trọng và sử dụng có hiệu quả cổ vật. “Vua gốm sứ” là biệt danh mà giới sưu tầm đồ cổ đặt cho anh từ sự ngưỡng mộ và quý trọng.

Sống là cho nhưng không phải để được nhận lại

Đôi khi người ta cũng không lý giải được Đinh Công Tường lấy đâu ra thời gian, tiền bạc để khuân về nhiều cổ vật đến vậy. Đến nhà anh ở đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TP Hồ Chí Minh dù là một khu đất rộng trên 1000 m2 nhưng mọi người vẫn có cảm giác chật chội vì không còn chỗ để đặt chân. Là bởi cổ vật xếp kín các phòng, trong kho và để tràn ra tận cổng. Nếu bán hết số cổ vật này không biết số tiền thu về sẽ là bao nhiêu tỷ đồng. Tất cả chỉ được lý giải bằng một câu mà anh Tường thường nhắc mỗi khi gặp gỡ bạn bè: “Hãy cứ cho đi và đừng nghĩ đến việc sẽ được nhận lại”. Quả thật khó có thể tìm ra ai mê đồ cổ như Đinh Công Tường. Anh có thể đi xe máy, lặn lội hàng trăm cây số đến các bản làng xa xôi của người Chăm để sưu tầm một món đồ cổ. Sẵn sàng qua lại hàng chục bận để năn nỉ mua cho được món đồ mà mình thích. Vậy nhưng gặp người tâm huyết, say mê và biết trân trọng món đồ nào đó anh sẵn sàng tặng lại. Còn khi có nhà sưu tầm nước ngoài đến đặt vấn đề mua khá nhiều món đồ cổ của anh với giá rất cao, thì Đinh Công Tường lại từ chối. Anh bảo có những món đồ cổ mang hồn cốt văn hóa của đất nước, không thể bán được dù người mua trả bao nhiêu tiền cũng vậy. Cũng vì lối kinh doanh khác thường chỉ thích mua vào chứ không chịu bán ra ấy, anh đã phải bán đi khá nhiều tài sản như đất, nhà... để có được bộ sưu tập khủng như hiện nay. Nhưng cũng có không ít người tặng cho anh không ít đồ cổ. Họ bảo: “Những chén, đĩa, tô này dù rất quý nhưng để ở nhà cũng không mấy giá trị. Chỉ nằm trong bộ sưu tập của anh mới có ý nghĩa, mới được bảo quản tốt và trưng bày cho nhiều người biết”.

Tác giả trò chuyện với Đinh Công Tường về đô cổ.

Đinh Công Tường lại bảo: “Dù người hay vật, đến được với nhau là bởi duyên”. Có nhiều món đồ cổ tưởng có thể mua được ngay, nhưng  do những vướng mắc nhỏ nhặt rồi cũng không có được, có thứ tưởng cả đời không tìm thấy bỗng nhiên lại lù lù xuất hiện. Chuyện là cách nay nhiều năm rồi anh sưu tầm được bộ Yoni bằng đá của người Chăm rất đẹp, nhưng không tìm thấy bộ Linga tương ứng, vậy mà cách nay hơn tháng tự nhiên có người mang đến cho anh bộ Linga đặt vào cứ như chúng được làm cùng một lượt vậy.

Không chỉ mê sưu tập đồ cổ, Đinh Công Tường còn có thú huấn luyện chim cảnh. Anh đã nhiều lần đạt giải nhất trong các hội thi chim thành phố, liên tỉnh. Anh cũng rất nhiệt tâm trong các hoạt động từ thiện xã hội. Hễ nghe ở đâu có quyên góp ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là anh tham gia ngay. “Tôi hiểu nỗi khổ của người nghèo, vì lúc trẻ tôi cũng rất khó khăn. Giờ có khả năng về kinh tế tôi muốn san sẻ để người nghèo bớt đi sự cực nhọc” - anh tâm sự. Cứ mỗi khi tết đến, xuân về Đinh Công Tường lại tất bật chuẩn bị mấy trăm phần quà gồm gạo, dầu ăn, đường, chăn màn... để đem tặng nhưng gia đình khó khăn ở Củ Chi, các tỉnh miền Tây, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum trên Tây Nguyên xa xôi. Anh còn không ngại lặn lội sang tận Campuchia tặng quà cho người Việt nghèo đánh cá ở Biển Hồ, hay các lớp học tình thương...

Bộ đồ đồng cổ quý hiếm.

Bây giờ với khối tài sản khá lớn, nhưng Đinh Công Tường vẫn sống rất đơn giản, điều mà anh luôn canh cánh phải thực hiện là lưu lại các cổ vật quý của Việt Nam cho thế hệ sau và giúp được thật nhiều cho người khó khăn. Nghèo không phải là tội, nhưng họ cần sự sẻ chia, hỗ trợ để vươn lên. Anh cũng không quên việc ngày xưa khi còn đi bán báo rong, kéo xe rác, có lần vô tình cầm vào tay lái xe đạp của một người, họ bắt anh lấy báo lau đi lau lại cho sạch mới thôi. Lại có khi đói quá, có người cho ổ bánh mì cũ, ăn xong thì đau bụng mấy ngày. Nhớ để có nghị lực vươn lên, không quên để sống tốt hơn, nghĩa tình hơn.

NGUYỄN KIM TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh