THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:32

Điều trị loãng xương thế nào để ngăn biến chứng tàn tật

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận điều trị trường hợp người bệnh N.T.H.L (80 tuổi, ngụ tại Đồng Nai). Bà L. đến bệnh viện trong một lần bị ngã trên nền đất. Tại Khoa Nội Cơ xương khớp, bà L. được thăm khám và chụp X-quang cột sống thắt lưng và đo mật độ xương.

Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, người bệnh bị loãng xương nặng dẫn đến giảm mật độ xương, bị gãy xương đốt sống dù chỉ với một chấn thương nhẹ. Với trường hợp này, bác sĩ tiến hành điều trị tích cực với mục tiêu giảm đau, cải thiện vận động cho bà, trong đó bao gồm thuốc đặc trị bệnh loãng xương. Bên cạnh đó để tránh biến chứng gù, trượt đốt sống vì loãng xương, bà L. được thực hiện tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học. Sau 2 ngày, bà L. giảm đau rõ rệt và phục hồi vận động tích cực.

Điều trị loãng xương như thế nào?

TS, BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD TPHCM cho biết, trong điều trị loãng xương, việc bổ sung các chất cung cấp sức mạnh cho xương như canxi và vitamin D vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh có thể nhầm tưởng rằng loãng xương chỉ cần uống canxi là ổn. Thực tế, canxi như vật liệu xây dựng, chỉ là điều trị hỗ trợ. Để những vật liệu này phát huy tác dụng, chúng ta còn cần những người thợ, đó chính là thuốc đặc trị.

Banner chương trình 2

Thuốc đặc trị dựa trên 2 cơ chế gồm ức chế sự hủy xương hoặc tăng cường sự tạo xương. Bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể với người bệnh hoặc dựa trên bệnh đi kèm mà tư vấn loại thuốc hay phương pháp điều trị thích hợp.

Đối với biện pháp dùng thuốc đặc trị, người bệnh cần điều trị lâu dài. Thời gian điều trị thông thường là 5 năm với thuốc biphosphonate uống và 3 năm với thuốc biphosphonate truyền tĩnh mạch. Sau thời gian đó, các bác sĩ sẽ đánh giá lại đáp ứng điều trị và có thể cân nhắc tạm ngưng điều trị nếu mật độ xương cải thiện. Nếu mật độ xương chưa cải thiện, việc điều trị có thể kéo dài hơn tùy từng trường hợp cụ thể.

Tại BV ĐHYD TPHCM, sự phối hợp đa chuyên khoa giúp người bệnh dù điều trị ở chuyên khoa nào cũng ít bị bỏ sót những vấn đề kèm theo. Người bệnh đến khám tại bệnh viện nếu có chỉ định sẽ được bác sĩ thực hiện tầm soát và điều trị sớm loãng xương. Trường hợp người bệnh không may có các biến chứng gãy xương vào khoa Chấn thương chỉnh hình hoặc Ngoại thần kinh, sau khi can thiệp phẫu thuật, người bệnh sẽ được hội chẩn với các bác sĩ khoa Nội Cơ xương khớp để xem xét chỉ định điều trị loãng xương. Điều này giúp cho việc chẩn đoán, điều trị đạt được hiệu quả cao và toàn diện.

Những lưu ý khi điều trị loãng xương

ThS BS. Nguyễn Châu Tuấn - Khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD TPHCM cho biết, để điều trị loãng xương đúng, người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ về cách uống, thời điểm, đặc biệt là khi dùng thuốc biphosphonate. Tiếp theo, để điều trị đủ, người bệnh cần phối hợp cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong điều trị dùng thuốc, ngoài thuốc đặc trị như biphosphonate, người bệnh cũng cần phối hợp thêm canxi và vitamin D.

Bên cạnh đó, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống cân đối với đầy đủ các chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa và rau xanh. Đồng thời, người bệnh cần tăng cường các bài tập rèn luyện sức cơ và khả năng thăng bằng như yoga, đạp xe đạp,... Cuối cùng, muốn điều trị hiệu quả, người bệnh cần tái khám định kì để các bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bệnh và điều chỉnh điều trị nếu cần thiết.

TS BS. Cao Thanh Ngọc – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD TPHCM cho biết trong điều trị loãng xương, việc bổ sung các chất cung cấp sức mạnh cho xương như canxi và vitamin D là vô cùng cần thiết.

TS BS. Cao Thanh Ngọc – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD TPHCM cho biết trong điều trị loãng xương, việc bổ sung các chất cung cấp sức mạnh cho xương như canxi và vitamin D là vô cùng cần thiết.

Loãng xương có thể dẫn đến hậu quả đáng sợ là gãy xương. Trong đó, té ngã là nguyên nhân chính gây gãy cổ xương đùi, gãy lún đốt sống ở những bệnh nhân loãng xương. Vì vậy, phòng ngừa té ngã là yếu tố thật sự quan trọng và cần thiết, đặc biệt ở người bệnh loãng xương.

Để phòng ngừa té ngã, người bệnh cũng như người nhà người bệnh sẽ có rất nhiều biện pháp. Trong đó, nhà ở phải có đủ ánh sáng, cầu thang có tay vịn, thảm trải sàn,... Về phần mình, người bệnh cũng cần mang giày dép phù hợp với kích cỡ, tập các bài vận động về sức cơ và thăng bằng. Ngoài ra, họ cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để các bác sĩ có thể phát hiện những vấn đề bệnh lý hoặc điều chỉnh các thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã. Có như vậy mới phòng ngừa tốt nhất nguy cơ người bệnh gặp tai nạn.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh