Điều trị bằng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh nội trú
- Y học 360
- 03:19 - 11/06/2020
Theo dự thảo, người bệnh vào viện phải được đo chiều cao, cân nặng và sàng lọc nguy cơ, bổ sung dinh dưỡng trong vòng 36 giờ ngay sau nhập viện và ghi vào hồ sơ bệnh án.
Những đối tượng có nguy cơ dinh dưỡng phải được bác sĩ điều trị/bác sĩ dinh dưỡng/dinh dưỡng viên khám, chẩn đoán và điều trị dinh dưỡng. Những đối tượng không có nguy cơ dinh dưỡng phải được sàng lọc lại sau mỗi 7 ngày nằm viện. Những trường hợp cần thiết phải được hội chẩn với khoa Dinh dưỡng để điều trị dinh dưỡng. Người bệnh phải được theo dõi và đánh giá lại tình trạng dinh dưỡng trong quá trình điều trị.
Dự thảo nêu rõ, bác sĩ điều trị chỉ định chế độ dinh dưỡng điều trị hằng ngày phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh ghi mã số chế độ dinh dưỡng theo quy định của Bộ Y tế vào phiếu điều trị…
Những người bệnh suy dinh dưỡng hoặc người bệnh có bệnh lý phối hợp liên quan đến dinh dưỡng, bệnh lý nặng: bác sĩ điều trị hội chẩn với cán bộ khoa Dinh dưỡng lập kế hoạch và can thiệp dinh dưỡng. Khoa Dinh dưỡng xây dựng chế độ dinh dưỡng điều trị phù hợp với bệnh lý của người bệnh.
Chế độ dinh dưỡng điều trị được quản lý như thuốc và các sản phẩm điều trị khác.
Theo dự thảo, bệnh viện phải cung cấp chế độ dinh dưỡng cho người bệnh. Người bệnh được cung cấp chế độ dinh dưỡng tại buồng bệnh. Bệnh viện bảo đảm quá trình chế biến và cung cấp chế độ dinh dưỡng theo quy định an toàn thực phẩm.
Việc cung cấp, chế biến thực phẩm trong bệnh viện phải tuân theo các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm, phục vụ ăn, uống bao gồm cả siêu thị, cửa hàng tiện ích, máy bán hàng tự động và các loại hình cung cấp thực phẩm khác trong bệnh viện.