THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:24

Điều kiện vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

1. Đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

Theo pháp luật quy định, Quỹ quốc gia về việc làm là khoản tài chính dự trữ của quốc gia được lập để giải quyết việc làm và hỗ trợ dịch vụ việc làm. Quỹ quốc gia việc làm được tạo lập từ các nguồn sau: ngân sách nhà nước; khoản trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ việc làm.

Căn cứ vào Điều 12 Luật Việc làm 2013 quy định các đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, bao gồm:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh;

Người lao động.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều này còn quy định các đối tượng nêu trên thuộc các trường hợp sau đây được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số;

Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.

Trong đó:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh) sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số được quy định như sau:

Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;

Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số;

Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.

Người dân làm thủ tục vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm

Người dân làm thủ tục vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm

2. Điều kiện vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

Theo Điều 13 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện vay đối với các đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm như sau:

- Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh:

Khoản 1 Điều này quy định đối tượng này được vay vốn khi có đủ các điều kiện sau đây:

Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;

Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;

Có bảo đảm tiền vay. Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm ( Điều 27 Nghị định 61/2015/NĐ-CP được sửa đổi tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP).

Trong trường hợp khoản vay dưới 100 triệu đồng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không cần có bảo đảm tiền vay.

- Đối với người lao động:

Khoản 2 Điều 13 Luật Việc làm quy định đối với người lao động được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khi có đủ các điều kiện sau đây:

Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ chẳng hạn: đủ 18 tuổi, có khả năng điều khiển hành vi đầy đủ… Theo đó, NLĐ chưa thành niên hay là người khuyết tật mà bị Tòa án tuyên có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì không thể tự mình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;

Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án. Việc cư trú hợp pháp cũng cần có sự xác nhận từ Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 24, 25, 26 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định mức vay, thời hạn và lãi suất vay vốn được sửa đổi bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP, bao gồm:

- Mức vay:

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.

Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

- Thời hạn vay vốn:

Tối đa 120 tháng. Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

- Lãi suất vay vốn:

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; người lao động lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.

Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Việc làm 2013, lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Hà Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh