Điều kiện hưởng chế độ người bị nhiễm chất độc hóa học
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:26 - 14/09/2015
Trả lời:
Để được hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì người hoạt động kháng chiến phải đủ các điều kiện sau theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ; khoản 1, Điều 1 Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Điều 22 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ và nay là Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2013. Theo đó, Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định:
1. Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 1/8/1961 đến ngày 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K (kể cả 10 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
2. Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật sau:
- Mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;
- Vô sinh;
- Sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.
17 bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học
Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học được quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 của Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ gồm:
1. Ung thư phần mềm
2. U lympho không Hodgkin
3. U lympho Hodgkin
4. Ung thư phế quản – phổi
5. Ung thư khí quản
6. Ung thư thanh quản
7. Ung thư tiền liệt tuyến
8. Ung thư gan nguyên phát
9. Bệnh đa u tủy xương ác tính
10. Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính
11. Bệnh trứng cá do clo
12. Bẹnh đái tháo đường type 2
13. Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm
14. Các bất thường sinh sản
15. Rối loạn tâm thần
16. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh
17. Tật gai sống chẻ đôi.
Các bệnh, tật áp dụng cho người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học được quy định từ khoản 1 đến khoản 15; Bệnh, tật, dị dạng, dị tật bẩm sinh áp dụng cho con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học được quy định tại các khoản 14, 15 (chậm phát triển tâm trí hoặc gọi là chậm phát triển trí tuệ), 16 và 17.
Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến được thực hiện trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về người có công theo từng giai đoạn cụ thể.
Để được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học phải cần và đủ 2 điều kiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP như đã nêu ở trên.
Trong câu hỏi của ông Lục, ông phản ánh ông tham gia tại chiến trường B3 – Tây Nguyên nhưng chưa nêu rõ ông có mắc bệnh do nhiễm chất độc hóa học và có đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định không? Nếu đủ điều kiện, ông đã kê khai lập hồ sơ và gửi đến cơ quan có thẩm quyền chưa? Để biết về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, đề nghị ông liên hệ với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Văn Bàn để được hướng dẫn cụ thể.