THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:03

Điều kiện cần và đủ để được cấp thẻ Nhà báo?

 

Luật Báo chí 2016 đã chỉ rõ, người được cấp thẻ Nhà báo về cơ bản phải là người tham gia vào bộ máy sản xuất tin bài nhưng cũng phải đáp ứng một số điều kiện khác, trong đó có công tác liên tục 2 năm ở một cơ quan, Luật Báo chí 1999 là 3 năm.

 

Để có thẻ Nhà báo, thông thường các nhà báo phải có thời gian công tác, cống hiến nhất định tại cơ quan báo chí. Ảnh minh họa internet

 

Vậy trước khi có thẻ Nhà báo, phóng viên sẽ tác nghiệp thế nào? Thực tế, các phóng viên chưa đủ điều kiện cấp thẻ Nhà báo vẫn tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Đây vẫn được coi là hoạt động báo chí của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, nhận thức pháp luật về báo chí của nhiều cá nhân, tổ chức còn hạn chế nên dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc như cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo và phóng viên. 

Sự việc gần đây nhất, phóng viên Báo Giao thông phản ánh, khi đang tác nghiệp phản ánh về TNGT, phóng viên Báo Giao thông đã bị lực lượng CSGT Công an huyện Bình Tân và Công an xã Tân Bình cản trở, không cho tác nghiệp dù đã xuất trình giấy giới thiệu do Báo Giao thông cấp và chứng minh thư nhân dân. Theo Báo Giao thông, lý do cản trở là vì phía công an cho rằng PV Báo Giao Thông không có thẻ Nhà báo.
Thực tiễn, mặc dù trong Luật Báo chí chưa đề cập đến những phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu, nhưng tại Nghị định 159/2013/NĐ- CP đã đề cập đến đối tượng này khi dùng 2 từ "phóng viên" và "nhà báo" đặt song hành nhau. Cụ thể, tại điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP đã đưa ra quy định bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên như sau: "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên" hoặc ". "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp".

Cao hơn, Nghị định 159 cũng quy định "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên".

Vậy ai mới được cấp thẻ Nhà báo, theo Luật Báo chí mới? Căn cứ vào điều 26 Luật Báo chí mới, đối tượng được cấp thẻ Nhà báo gồm: Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí, thông tấn; Trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí, thông tấn; Phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí, thông tấn; Người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim truyện) của các đơn vị được cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và sản xuất phim tài liệu của Nhà nước; Phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương; Người đã được cấp thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí được sử dụng, được cơ quan báo chí xác nhận.

Và tất nhiên, để những chức danh hoạt động trong lĩnh vực báo chí được cấp thẻ Nhà báo phải tuân thủ các quy định khác như: Phải công tác 2 năm liên tục tại cơ quan báo chí (trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật), là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang của báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên; và phải được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Riêng, đối tượng là phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương phải đảm bảo thêm các điều kiện khác như: Là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Có ít nhất mười hai tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ; Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương từ 02 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ; Được đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Điều 26. Đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo 

1. Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí, thông tấn. 

2. Trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí, thông tấn. 

3. Phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí, thông tấn. 

4. Người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim truyện) của các đơn vị được cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và sản xuất phim tài liệu của Nhà nước. 

5. Phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương. 

6. Người đã được cấp thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí được sử dụng, được cơ quan báo chí xác nhận, được xét cấp thẻ nhà báo trong các trường hợp cụ thể sau: 

a) Được điều động công tác tại các đơn vị không trực tiếp thực hiện nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí; 

b) Được điều chuyển sang làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; 

c) Được điều chuyển sang làm cán bộ chuyên trách tại hội nhà báo các cấp, trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí. 

Điều 27. Điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo 

1. Người công tác tại cơ quan báo chí quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 của Luật này được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây: 

a) Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; 

b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang của báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên; 

c) Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 02 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật; 

d) Được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo. 

2. Những trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 26 của Luật này được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này và phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn sau đây: 

a) Là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 

b) Có ít nhất mười hai tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ; 

c) Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương từ 02 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ; 

d) Được đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh