CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện sẽ tạo “kẽ hở” cho “lợi ích nhóm”

 

Điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch gây bức xúc trong xã hội

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, thời gian qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch đã xảy ra khá nhiều tại các thành phố lớn, làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, một trong những nguyên tắc quan trọng của hoạt động quy hoạch là đảm bảo sự ổn định tránh gây xáo trộn cho doanh nghiệp và người dân. So với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch quy định thêm hình thức điều chỉnh cục bộ với thủ tục giản đơn hơn. Tuy nhiên trường hợp áp dụng phạm vi và mức độ điều chỉnh theo hình thức này lại không được quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng hình thức này để điều chỉnh quy hoạch gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không đảm bảo tuân thủ nguyên tắc chung.

Ông Thành nêu ví dụ, thời gian qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch đã xảy ra khá nhiều tại các Thành phố lớn, làm phá vỡ quy hoạch ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội. Điển hình như việc điều chỉnh xây dựng các chung cư cao tầng ở nội đô, cho phép chuyển đổi chức năng công ích của nhiều diện tích đất vốn dành cho giáo dục, y tế… làm biến dạng quy hoạch, phá vỡ kết cấu hạ tầng như Khu đô thị Linh Đàm tại Hà Nội.

Đề cập quy hoạch đô thị, đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện nay các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... không chỉ chịu áp lực về giao thông mà còn cả các công trình giáo dục, y tế, công viên vui chơi…

"Một quy hoạch đô thị khoa học trước hết phải tính toán mật độ dân cư, từ đó dự kiến cho xây bao nhiêu nhà cao tầng kèm theo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp. Nếu thực thi theo đúng pháp luật, đúng trình tự thì sẽ không có chuyện dân cư đông đúc, đường xá tắc nghẽn, thiếu khu vui chơi, công viên cây xanh... Tuy nhiên sau khi có quy hoạch khoa học ban đầu, thực tế triển khai lại có sự tự ý điều chỉnh theo lợi ích nhóm, bị đồng tiền chi phối …" - ông Sinh nhấn mạnh

Một trong những băn khoăn của đại biểu Đỗ Văn Sinh là vấn đề điều chỉnh quy hoạch chưa được quy định rõ ràng. Theo ông, chính vì quy định chưa rõ ràng mà từng xảy ra sự tùy tiện, thậm chí là lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch, dẫn tới hệ lụy lớn.

Đơn cử là do không có tầm nhìn quy hoạch dài hạn nên đường vành đai 1 từ Kim Liên đến Hoàng Cầu mới (quận Đống Đa, Hà Nội) mới trở thành đường "đắt nhất hành tinh", và khả năng khi con đường này nối dài đến Cầu Giấy cũng sẽ không kém phần đắt đỏ vì phải bỏ 3/4 tiền đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng chính là vì quy hoạch không có tầm nhìn.

Mới đây nhất là các câu chuyện ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh), cũng vì từ quy hoạch, xác định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đến công bố quy hoạch đều không tốt...

“Chính vì điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, thậm chí có lợi ích nhóm, đã dẫn tới hệ lụy lớn, mà khu đô thị mới Thủ Thiêm là một ví dụ”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

 

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch có sự chi phối của lợi ích nhóm


Cần một hệ thống quy hoạch đồng bộ, thống nhất

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, công tác quy hoạch đúng hướng, hiệu quả đã giúp nhiều ngành thành công, trong đó có ngành hàng không và công nghệ thông tin, đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý, quy hoạch cũng là nguồn cơn của rất nhiều tiêu cực. Quy hoạch ban đầu có thể là đúng đắn, nhưng sau đó, có thể vì lợi ích nhóm nên quy hoạch được điều chỉnh khác đi. Quy hoạch cần phải có tầm nhìn, xét theo cả quá trình chứ không phải chỉ áp dụng theo giải pháp tình thế.

“Quy hoạch cần phải cụ thể, từ việc phát triển các khu vui chơi, tiện ích, giải trí cách trường học bao xa. Hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng cần phải được làm chi tiết, thậm chí là đến từng quận/huyện, phường/xã...” ông Nghĩa góp ý.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh việc cần có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, thống nhất để khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch, quy hoạch treo gây rất nhiều hệ lụy xấu trong thời gian qua.

Ông Hà Sỹ Đồng chỉ ra một số điểm chồng chéo, điển hình như còn sự trùng lắp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đại biểu này đề nghị bỏ toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung cho từng khu chức năng trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng để tránh trùng lặp, quy hoạch chồng lấn quy hoạch gây lãng phí nguồn lực.

Để tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, theo ông Hà Sỹ Đồng, cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để bảo đảm đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách tạo lợi ích nhóm.

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật. Theo dự kiến, đây là dự án luật duy nhất được thông qua tại kỳ họp này theo quy trình tại một kỳ họp.

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật trên (có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ 1/1/2019) là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh