CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:57

Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Luật Quy hoạch

Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến quy hoạch

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh.

 Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XII; bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đảm bảo duy trì các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý nhà nước của các ngành, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp; đảm bảo đủ căn cứ pháp lý để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 cho công tác lập quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch 


Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, hồ sơ hiện nay chưa có báo cáo thẩm định đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Do đó, đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định, thống nhất đúng nội dung trình Quốc hội. Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác có các quy định liên quan đến quy hoạch và giải trình đầy đủ báo cáo thẩm định, các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ủy ban Kinh tế đánh giá, về cơ bản các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy so với yêu cầu sửa đổi, bổ sung các luật quy định tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch, đã có nhiều nội dung phát sinh, một số điều, khoản có trong Phụ lục lại chưa được đưa vào dự thảo sửa đổi. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Đối với những nội dung được yêu cầu sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch nhưng không thực hiện thì thì cần báo cáo, giải trình với Quốc hội.

 Luật phải đảm bảo không phát sinh thêm thủ tục hành chính

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến Ủy ban thường vụ cho rằng việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là cần thiết để tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh; đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch. Nhất trí cao với các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính Phủ tiếp tục rà soát, bổ sung đầy đủ các nội dung mà Báo cáo thẩm tra yêu cầu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc sửa đổi dự án Luật phải bảo đảm đừng sinh ra vấn đề phức tạp mới, đừng phát sinh thêm thủ tục hành chính. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, dự án Luật không sửa đổi các nội dung khác không liên quan đến quy hoạch, nhất là vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách. 

 

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các Luật liên quan để triển khai Luật quy hoạch vào cuộc sống


Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ lưu ý, tiếp tục rà soát kỹ các Luật trong Phụ lục III để chỉnh sửa lần cuối vào kỳ họp sau; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Luật Quy hoạch vào cuộc sống sao cho đồng bộ, thống nhất, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ xây dựng phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cùng với đó, đề nghị Ủy ban Kinh tế tích cực thẩm tra một cách kỹ lưỡng các nội dung của Chính phủ trình, phân tích nguyên nhân, nêu rõ quan điểm của Ủy ban đối với các nội dung sửa đổi cụ thể trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.  Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự án Luật đủ điều kiện thông qua tại một kỳ họp theo thủ tục rút gọn, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 24, bảo đảm Luật Quy hoạch khi có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2019 sẽ là một bước tiến tích cực, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh