Điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ
- Dược liệu
- 23:53 - 05/03/2020
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có người hưởng mức lương hưu trên 100 triệu đồng/tháng song cũng có người có mức lương hưu rất thấp, dưới mức lương cơ sở (nghĩa là chênh nhau khoảng 100 lần).
Nêu lên những bất cập của chế độ lương hưu hiện nay, do việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội khác nhau từng giai đoạn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định của chính sách thì trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 20 năm hoặc người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm, sau đó tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã mà khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì lương hưu không được bù đủ bằng mức lương cơ sở.
Do vậy, khi điều chỉnh lương hưu theo quy định của Chính phủ thì những đối tượng này có mức lương hưu tiếp tục rất thấp. Trường hợp giáo viên mầm non có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở giáo dục mầm non được truy đóng bảo hiểm xã hội theo Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuy có thời gian làm việc dài nhưng chỉ được truy đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian từ tháng 01/1995 đến khi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội với mức đóng bằng 15% của mức tiền tiền lương tối thiểu (nay là mức lương cơ sở) nên có mức lương hưu thấp.
Do vậy, khi điều chỉnh lương hưu theo quy định của Chính phủ, những đối tượng này có mức lương hưu tiếp tục rất thấp. Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời điểm năm 2021 cũng là thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trường hợp cán bộ không chuyên trách cấp xã chỉ được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nền lương cơ sở và những trường hợp đóng bảo hiểm xã hội trước đây do quy định chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo mức sàn tiền lương thấp chỉ bằng lương tối thiểu chung (nay là lương cơ sở) thì họ đã và sẽ có mức lương hưu thấp hơn lương cơ sở.
Đối với người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, cá biệt có trường hợp cùng đối tượng nhưng mức hưởng không thống nhất giữa các thời kỳ. Nếu tiếp tục thực hiện điều chỉnh đồng loạt các đối tượng với cùng một mức điều chỉnh sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa người hưởng lương hưu cao với người hưởng lương hưu thấp.
Do đó, cần có phương án điều chỉnh cho người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng phù hợp với việc cải cách tiền lương trong năm 2021, sau đó việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng sẽ độc lập tương đối với việc điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc.
Để đảm bảo nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có sự chia sẻ giữa những người tham gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng cần có phương án xử lý bất hợp lý về khoảng cách chênh lệch về tiền tuyệt đối giữa những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (chia nhóm bắt đầu hưởng từ trước năm 1995 - không phải đóng đã được hưởng từ nguồn ngân sách Nhà nước đảm bảo; nhóm được hưởng từ năm 1995 trở đi - đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, do Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo).