THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:37

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Đối tượng nào bị tác động mạnh?

 

Điều chỉnh theo lộ trình

Thông tư 37 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2016 với gần 1.900 dịch vụ y tế được xác định mức giá thống nhất đang được coi là bước đi cơ bản cho lộ trình BHYT toàn dân. Giá các dịch vụ y tế được liên Bộ ban hành là mức giá cụ thể gồm: Giá khám bệnh theo hạng bệnh viện; giá ngày giường bệnh theo hạng và theo chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh.

Trong đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm: Các chi phí trực tiếp như chi phí về thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật (phụ cấp đặc thù); chi phí tiền lương theo lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Còn với các dịch vụ khám, chữa bệnh chưa được quy định mức giá cụ thể sẽ áp dụng theo mức giá của các dịch vụ được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

 

Đồng thời, theo ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN), Bộ Y tế có Công văn số 3097/BYT-KH-TC gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê đề xuất lộ trình áp dụng giá dịch vụ y tế đã bao gồm tiền lương. Mức giá này sẽ được áp dụng theo 5 thời điểm khác nhau, phụ thuộc vào địa phương có độ bao phủ BHYT cao hay thấp. Cụ thể, đối với địa phương có độ bao phủ BHYT khoảng 95% thì áp dụng từ cuối tháng 8.2016; địa phương có độ bao phủ BHYT khoảng 90% và mức tác động vào CPI thấp thì áp dụng từ tháng 10.2016; địa phương có độ bao phủ BHYT trên 85% thì áp dụng từ tháng 11.2016; địa phương có độ bao phủ BHYT trên 80% thì áp dụng từ tháng 12.2016; từ 2017, áp dụng đối với các địa phương còn lại.

Với lộ trình nêu trên, theo BHXH Việt Nam nếu được áp dụng thì khả năng tỷ lệ gia tăng chi phí sẽ thấp hơn mức dự báo 30% vì đa số các địa phương rơi vào nhóm có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 80%, như vậy sẽ áp dụng vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, mức thấp hơn cũng không đáng kể. Ông Phúc cho hay, thực hiện giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37, đã có 38 bệnh viện công lập (hầu hết là bệnh viện hạng I, tuyến T.Ư, 2 thành phố Hà Nội, và TP.HCM) và toàn bộ khối y tế tư nhân (gồm 150 bệnh viện và 230 Phòng khám đa khoa tư nhân, chiếm 20 % tổng số cơ sở KCB BHYT trên cả nước) triển khai.

Những nhóm đối tượng nào chịu tác động?

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: Chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế hiện nay mới tính một phần chi phí trực tiếp (3/7 yếu tố trực tiếp). Do đó mỗi đơn vị thuộc bộ, ngành và mỗi địa phương có một bảng giá khác nhau, nên giá thanh toán của BHYT đối với các bệnh viện cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật...) khác nhau, gây bất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT... Chính vì thế, để đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh, liên ngành mới triển khai việc thực hiện điều chỉnh mức giá dịch vụ y tế.

Trước băn khoăn của nhiều người, liệu giá dịch vụ y tế được điều chỉnh có làm ảnh hưởng đến các đối tượng cần được đảm bảo an sinh xã hội hay không, ông Nguyễn Nam Liên khẳng định, về cơ bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn (bao gồm: 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc, người sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi... do các đối tượng này khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí thay vì thanh toán 95%, đồng chi trả 5% như trước đây. Người cận nghèo cũng được giảm đồng chi trả từ 20% trước năm 2015 xuống còn 5% từ 2015).

Còn theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, việc tăng giá dịch vụ y tế thống nhất trên toàn quốc sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển kỹ thuật y tế, đồng thời việc chi trả từ tiền túi của người dân đã tham gia BHYT sẽ giảm đi và giảm rất mạnh. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, nhất là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu, bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình và được Quỹ BHYT chi trả. Do đó, người bệnh sẽ không bị thu thêm những chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế. Chúng ta đang hướng tới điều chỉnh giá dịch vụ y tế sao cho chi phí y tế từ tiền túi người dân giảm ở ngưỡng dưới 40% vào năm 2018, đây là cơ hội để thực hiện mục tiêu đó.

Tuy nhiên, đối với khoảng 24% dân số chưa tham gia BHYT, trong giai đoạn đầu sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Song, theo lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ áp dụng cho người không có thẻ BHYT. Do đó, để không phải nặng gánh chi trả thêm, giảm chi từ tiền túi khi thực hiện khám, chữa bệnh, người dân nên tích cực tham gia BHYT.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh