THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:40

Điều chỉnh giá của 40 dịch vụ y tế trong tháng 5/2018

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định mức giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong cả nước là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, góp phần làm tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; Đồng thời giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, lộ trình đến năm 2020 Bộ Y tế sẽ tiến tới sắp xếp lại 18.000 dịch vụ thành 2.000 - 3.000 dịch vụ, nhóm dịch vụ để xây dựng giá. Cụ thể:

Trong giai đoạn 1: đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37. Trong đó, sẽ khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-Quang, CT, siêu âm, nội soi TMH, YHCT, xét nghiệm.

Giai đoạn 2: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000 - 3.000 dịch vụ.

Đồng thời, Bộ sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tính ngày điều trị nội trú theo hướng như: các trường hợp nặng phải chuyển tuyến hoặc chuyển tuyến dưới; chuyển sang cơ sở khác; quy định giường điều trị ban ngày…

“Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội khảo sát tổng thể nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước, sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay và xây dựng định mức giá của 2.000 - 3.000 dịch vụ để hội nhập với quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có 18.000 dịch vụ, rất khó thanh toán cũng như giám định của bảo hiểm mặc dù có phần mềm kết nối thông tin” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

 

Người dân kỳ vọng, giá tăng, chất lượng dịch vu y tế cũng tăng

 

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) thông tin thêm, hiện Bộ Y tế đang tiến hành khảo sát lại định mức về kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ này và tính lại giá tại thời điểm hiện nay.

“Giá 40 dịch vụ y tế sẽ được tính theo nguyên tắc tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương vào thời điểm hiện nay. Theo đó, cái nào tăng sẽ tăng, cái nào giữ nguyên vẫn giữ nguyên và sẽ có những dịch vụ giá giảm xuống”, ông Nam Liên cho biết.

Hiện nay, cơ quan này chưa đánh giá được dịch vụ nào tăng hay giảm vì còn chờ kết quả khảo sát, tính toán kỹ. Tuy nhiên trong tháng 5, thông tư về điều chỉnh giá 40 dịch vụ y tế này sẽ được ban hành. Các dịch vụ được tập trung rà soát giá gồm: giá khám bệnh, giường bệnh; chiếu chụp Xquang; chụp cộng hưởng từ CT scanner…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 2 - tính lương vào giá) thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh. Việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra, các cơ quan cần có cơ chế kiểm soát hiện tượng lạm dụng, lợi dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược; kiểm soát tốt đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tăng cường y tế dự phòng.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh