Điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà
- Huyệt vị
- 21:34 - 21/09/2021
Theo điều chỉnh, Đề án trên được thực hiện đến hết năm 2025 với tổng mức vốn đầu tư là 4.053,256 tỷ đồng.
Đề án áp dụng cho 34 đơn vị hành chính cấp xã vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình gồm:
Huyện Đà Bắc, gồm 12 xã, thị trấn: Nánh Nghê, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương, Đồng Chum, Toàn Sơn, Đồng Ruộng, Yên Hòa, Mường Chiềng, Cao Sơn, Tú Lý và thị trấn Đà Bắc.
Huyện Cao Phong, gồm 2 xã: Bình Thanh, Thung Nai.
Huyện Tân Lạc, gồm 4 xã: Suối Hoa, Tử Nê, Mỹ Hòa, Phú Vinh.
Huyện Mai Châu, gồm 4 xã: Sơn Thủy, Tân Thành, Tòng Đậu, Vạn Mai.
Huyện Kim Bôi, gồm 2 xã: Tú Sơn, Mỵ Hòa.
Huyện Yên Thủy, gồm 1 xã: Bảo Hiệu.
Huyện Lạc Thủy, gồm 1 xã: Đồng Tâm.
Huyện Lạc Sơn, gồm 1 xã: Yên Nghiệp.
Thành phố Hòa Bình, gồm 2 xã: Hòa Bình, Yên Mông và 5 phường là Thịnh Lang, Hữu Nghi, Tân Hòa, Thái Bình, Thống Nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan tổng hợp kế hoạch và bố trí vốn đầu tư phát triển hàng năm để thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật về đầu tư công; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án; tiếp tục rà soát các dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan; ban hành danh mục dự án cụ thể phù hợp với danh mục dự án Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP ngày 16/7/2021 về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và pháp luật về tính chính xác về số liệu, về đối tượng, phạm vi thực hiện Đề án và việc quyết định danh mục dự án triển khai theo văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 2/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về dự kiến theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả, không tăng tổng vốn đầu tư, không trùng lặp với các chương trình, dự án khác trên cùng địa bàn, không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, đối tượng vùng Đề án.
Đồng thời, UBND tỉnh Hòa Bình huy động và khai thác tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn lực tại chỗ của tỉnh và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để hỗ trợ thực hiện Đề án; rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội áp dụng cho đối tượng vùng Đề án, quyết định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện Đề án theo quy định.