THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 06:00

Điều cần biết về chăm sóc răng miệng

 

1. Răng khôn có phải nhổ không? 

Răng khôn là răng hàm lớn thứ ba, mọc trong độ tuổi từ 17 và 25. Mỗi người thường có 4 răng khôn ở 4 cung hàm. Sở dĩ gọi là răng khôn vì răng mọc trong độ tuổi đã trưởng thành, con người đã khôn lớn và biết nhận thức.

Răng khôn thường mọc trong độ tuổi xương hàm đã ngừng tăng trưởng và phát triển, xương trở nên cứng đặc hơn. Kích thước của răng khôn và xương hàm bất cân xứng, nên răng khôn thường không đủ chỗ mọc trong xương hàm . Điều này thường dẫn đến tình trạng mọc kẹt hay mọc ngầm của răng khôn.

Vậy khi nào phải nhổ răng khôn?

- Khi việc mọc răng khôn gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận.

- Khi răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, tương lai sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ răng khôn để ngăn ngừa biến chứng.

- Răng khôn không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.

- Răng khôn có hình dạng bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.

- Bản thân răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng.

- Nhổ răng khôn để chỉnh hình, làm răng giả, hoặc răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác cũng nên được nhổ bỏ.

2. Bệnh viêm lợi có nguy hiểm không?
Viêm lợi là bệnh khá phổ biến hiện nay. Vì là bệnh phổ biến nên nhiều người còn xem thường chứng bệnh này mà không biết viêm lợi có thể gây ra những biến chứng khá nguy hiểm.
Lợi có nhiệm vụ bảo vệ, che chở và giữ cho chân răng được chắc chắn. Nguyên nhân gây viêm lợi là do vi khuẩn ở trong mảng bám hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng. Vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra càng lớn. Lợi của người bệnh bị sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi chải răng, tổ chức chân răng lỏng, dễ chảy máu, kèm hôi miệng, người bệnh có cảm giác đau hoặc ngứa căng lợi răng.

Bác sỹ Trung tâm Nha khoa “Dr Smile” tư vấn chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân

Nếu không điều trị viêm lợi có thể tiến triển đến bệnh viêm quanh răng, lây lan đến các mô cơ và xương (nha chu), một tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều có thể dẫn đến mất răng. Nha chu và sức khỏe răng miệng kém nói chung cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Nếu bạn bị viêm lợi nặng và có vấn đề về phổi, hít vi khuẩn từ miệng vào trong phổi có thể dẫn đến viêm phổi…

3. Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa bệnh viêm lợi?
Cần phải loại bỏ nguyên nhân là mảng bám răng và cao răng, người bệnh phải đến phòng khám để bác sĩ lấy sạch cao răng. Sau khi đã hết cao răng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám răng.

4. Lấy cao răng định kỳ? 

Lấy cao răng và làm sạch cao răng không chỉ vì mục đích thẩm mỹ mà còn vì sức khỏe

Vi khuẩn trong cao răng gây viêm nướu. Phản ứng viêm này gây ra hiện tượng tiêu xương ổ răng, làm cho răng tụt nướu, thân răng ngày càng dài. Chân răng bị lộ vì không có nướu che chở và răng bị lung lay, quá trình tiêu xương cũng diễn ra nhanh hơn.

- Cao răng có thể gây nên các bệnh viêm nướu, viêm nha chu với các biểu hiện như: đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng.

- Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, áp-tơ mà dân gian vẫn gọi là bệnh nhiệt miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch.

Do những ảnh hưởng nêu trên, cao răng cần phải được cạo sạch và tốt nhất nên cạo định kỳ 4 - 6 tháng/lần. Có thể cạo cao răng bằng dụng cụ cầm tay hay bằng máy siêu âm. Cạo cao răng bằng máy siêu âm sẽ ít đau, ít chảy máu và sạch hơn. Sau khi cạo cao răng, bạn có thể có cảm giác ê, đau, nhiều hay ít tùy mức chịu đau của mỗi người và tùy thuộc vào mức độ cao răng, viêm lợi nhiều hay ít. Cảm giác ê buốt khi ăn uống nhất là uống nước nóng quá hay lạnh quá có thể kéo dài sau vài ngày rồi hết.

  5. Làm trắng răng có an toàn không?

Qua hơn một thập niên nghiên cứu, người ta đã chứng minh rằng tẩy trắng răng và các phương pháp làm trắng răng khác đều an toàn và hiệu quả. Một số sản phẩm làm trắng răng đã được kiểm định không gây tác dụng bất lợi trên răng và nướu. Bạn phải đảm bảo rằng mình sử dụng đúng loại sản phẩm đã được chứng minh lâm sàng, tuân theo đúng chỉ dẫn và tư vấn của nha sĩ của bạn.
Trước đây, nồng độ chất tẩy trắng răng cao được sử dụng trong phương pháp tẩy trắng răng tại phòng nha làm cho bạn cảm thấy ê buốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay các loại gel làm trắng đều được bổ sung các chất đệm làm giảm bớt chứng ê buốt này. Ê buốt răng có thể xảy ra ở một số người sau khi làm trắng răng, đặc biệt là khi ăn thức ăn nóng, lạnh, nhưng cảm giác này thường không xuất hiện sau 48 giờ và hoàn toàn kết thúc sau khi ngưng tẩy.

6. Làm sao để biết tôi cần phải chỉnh nha?

Chỉ có nha sĩ chỉnh nha mới biết liệu bạn có được lợi ích gì từ việc chỉnh nha hay không. Dựa trên những công cụ phân tích bao gồm lịch sử điều trị bệnh và sức khỏe răng miệng đầy đủ của bạn, một buổi kiểm tra tại phòng nha, chụp X quang và những hình ảnh đặc biệt, nha sĩ chỉnh nha có thể quyết định chỉnh nha có thực hiện được hay không và sau đó phát triển một kế hoạch điều trị phù hợp với bạn.

Nếu bạn có bất cứ những hiện tượng sau thì bạn có thể cần phải điều trị chỉnh nha:

  • Cắn chìa: là trường hợp mà răng cửa hàm trên đưa ra (chìa ra phía trước) so với răng hàm dưới.
  • Cắn ngược: răng hàm dưới đưa xa ra ngoài so với hàm trên hoặc răng hàm trên đưa sâu vào trong.
  • Cắn chéo: khi cắn 2 hàm lại với nhau thì hàm trên cắn vào bên trong của hàm dưới.
  • Cắn hở: khi các răng cửa trên không chạm các răng cửa dưới khi cắn 2 hàm lại, mà có một khoảng cách giữa bề mặt nhai của những răng cửa và/hoặc những răng ở bên.
  • Đường trung bình không đúng chỗ: khi điểm chính giữa của các răng cửa hàm trên không thẳng hàng với điểm chính giữa của các răng cửa hàm dưới.
  • Khoảng trống – có khoảng trống giữa các răng do mất răng hoặc răng không đầy đủ trên cung hàm.
  • Răng chen chúc: là khi các răng mọc không thẳng hàng, lộn xộn trên cung hàm. 

7. Mất răng hàm không trồng răng có sao không?

Răng hàm là răng đóng vai trò ăn nhai chính trên cung hàm, việc mất răng sẽ khiến cho việc ăn nhai trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Khi răng mất thì chức năng ăn nhai suy giảm, do đó việc nghiền nát thức ăn cũng bị ảnh hưởng dẫn đến tiêu hóa không tốt. Bên cạnh đó, phần răng mất sẽ tạo khoảng trống, khi ăn uống, thức ăn có thể lọt xuống, nếu như không vệ sinh răng miệng tốt có thể dẫn đến sâu răng.

Thông thường, sau khi mất răng khoảng 2-3 tháng mà không được trồng răng thì phần xương răng phía dưới sẽ bị tiêu biến dần, dẫn đến mật độ xương suy giảm. Đây là nguyên nhân khiến cho cơ mặt bị chùng và hô móm, khuôn mặt trở nên già nua hơn. Sau 2-3 năm khi mất răng thì tỉ lệ tiêu xương hàm có thể lên tới 40%.

Ngoài ra, khi một răng hàm bị mất thì các răng kế bên sẽ có xu hướng đổ vào chỗ răng mất bị tiêu hõm, khiến răng thay đổi vị trí và trở nên khấp khểnh hơn, ảnh hưởng đến cả khả năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ. Do đó, sau khi mất răng nha sĩ khuyên nên trồng răng giả càng sớm càng tốt

Có thể phục hình lại răng mất bằng phương pháp làm cầu răng hoặc cấy ghép Implant

8. Khi nào cần phải làm chụp răng sứ?

Không phải trường hợp nào hư hại răng cũng có thể bọc răng sứ mà tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ mới chỉ định nên bọc hay không.

Làm chụp sứ khi:

Răng bị sâu quá nhiều, miếng bể quá lớn không thể trám được nữa, nếu trám thì miếng trám hay bị sút ra, lúc đó cần làm răng sứ.

Răng đã điều trị tủy răng nên răng không còn được nuôi dưỡng bởi mạch máu và thần kinh, do đó răng mất cảm giác với đồ cứng và dễ vỡ, khi đó cần làm chụp sứ để bảo vệ răng.

Mất 1 răng hay nhiều răng mà bệnh nhân không thể phục hình lại bằng phương pháp cấy ghép implant, khi đó sẽ phục hồi chưacs năng ăn nhai, thẩm mỹ bằng cầu răng sứ

Trường hợp răng mọc chen chúc, lệch lạc, thưa, hô mà bệnh nhân không muốn lựa chọn phương pháp chỉnh nha... thì phục hình bọc răng sứ thẩm mỹ sẽ giúp tái tạo hình dáng của răng, để răng trông đều đặn và màu răng như ý muốn.

 Những trường hợp răng bị nhiễm kháng sinh - tetracycline nặng, áp dụng phương pháp tẩy trắng răng không hiệu quả thì bọc răng sứ là phương pháp để thay thế lớp men răng sậm màu bằng lớp men sứ mới, trắng đẹp hơn.

Khám và tư vấn miễn phí: Trung tâm Nha khoa Dr Smile

Địa chỉ:  Số 83, Phố Núi Trúc, P. Kim Mã, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Mobile: 09 1122 6968; Website: drsmile.vn

Email: [email protected]

Bác sỹ Lý Thuỷ - Chuyên khoa cấp I - Răng hàm mặt;

Nha khoa “Dr Smile” với đội ngũ bác sỹ có bề dày kinh nghiệm, luôn cập nhật những tiến bộ mới nhất của y học trong khám và điều trị các bệnh về răng miệng.

Lý Thuỷ (Bác sỹ chuyên khoa cấp I - RHM)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh