THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:34

Điện về, vui bản trên làng dưới

Người dân ở Thạch Sơn giờ đã đầu tư máy xát gạo, tăng thêm thu nhập.

 

Nhớ lại thời gian khó

Năm 2011, lần đầu tiên lên Thạch Sơn, hình ảnh khiến tôi không thể quên khi giữa trời hè oi bức, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Tân vừa tiếp khách vừa cầm mảnh xốp quạt luôn tay mà mồ hôi của chủ lẫn khách vẫn đầm đìa không ngớt. "Không có điện thì làm được gì, máy tính, quạt điện hay tủ lạnh dù có tiền để mua thì cũng đành đắp chiếu để đó"- Bí thư xã phân trần. Nhà ông Tân ở thị trấn An Châu có điện thoại cầm tay nhưng mang vào Thạch Sơn công tác thì cũng bằng thừa vì sóng điện thoại vẫn bị trong “vùng lõm”, thỉnh thoảng cần liên lạc gấp thì cán bộ lại chạy lên đỉnh đồi huơ tay lên quá đầu mà “mót” xem có vạch sóng nào lạc vào máy. Mỗi khi xã cần thảo công văn, giấy tờ phải mang ra tận huyện nhờ máy vi tính, phô tô... mất cả ngày.

Từ năm 2008, các hộ dân Thạch Sơn được tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tấm pin năng lượng mặt trời để tích điện. Tuy nhiên, trong khi các tấm pin vẫn dùng tốt thì ắc quy để nạp điện lại hay bị hỏng, mỗi năm ít nhất phải thay một lần, mỗi lần thay tốn từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, tốn kém vậy nên không còn hộ nào dám dùng tấm pin để tích điện nữa. Ngoài ra, pin năng lượng mặt trời cũng chỉ dùng được khoảng 8 tháng trong năm, những ngày mưa hoặc trời râm mát là không tích được điện. Không dùng được ti vi, đài, quạt… khiến người dân gần bị “cô lập” thông tin, khó nắm bắt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Không có điện, không có Internet, các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo huyện đối với xã Thạch Sơn đều phải chuyển qua đường bưu điện. Việc giải quyết các thủ tục hành chính ở xã cũng không hề đơn giản và khá phức tạp vì không có sự hỗ trợ của máy móc...

Thế rồi, dự án cấp điện nông thôn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2013-2020 cũng được triển khai trong niềm hồi hộp, vui sướng của biết bao người dân 3 thôn, 126 hộ với hơn 520 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Chỉ... Đường điện vào trung tâm xã đến ba thôn: Non Tá, Đồng Băm, Đồng Cao được thiết kế gồm tuyến trung thế dài gần 15 km, 106 vị trí cột cùng 4 trạm biến áp; tuyến hạ thế dài 12km có 304 vị trí cột. Do công trình ở địa hình vùng núi cao, hiểm trở, vượt qua nhiều suối, có vị trí ở trên núi (độ dốc 35-40 độ), nhiều điểm không có đường giao thông nên việc thi công, dựng cột gặp khó khăn nhưng đơn vị thi công quyết tâm hoàn thành dự án và cấp điện cho bà con sử dụng theo đúng tiến độ vào dip Tết 2015.

 

Nhân viên điện lực kiểm tra đường dây tại xã Thạch Sơn.

Giấc mơ có thật

Trở lại Thạch Sơn lần này, chúng tôi không còn phải vất vả lội đi trên những con đường đất bê bết khi trời mưa với ổ voi, ổ gà chằng chịt mà là con đường bê tông thênh thang. Kể từ khi có điện lưới về, nhiều hộ dân đã mua sắm nồi cơm điện, bếp từ, tủ lạnh, máy giặt... Chị Triệu Thị Thủy, dân tộc Dao, ở bản Đồng Cao tâm sự: Bây giờ mỗi thôn trong xã đều có hộ đầu tư máy xát gạo. Chỉ hơn một năm trước bà con còn phải chở thóc đi khoảng 10 cây số sang xã Vân Sơn hay Phúc Thắng để xát. Có máy xát, không chỉ người dân trong thôn đỡ vất vả mà hộ kinh doanh cũng có của ăn của để, xã đã có hàng chục hộ xóa được nhà tranh vách đất.

Bí thư Hoàng Văn Tân phấn khởi khoe, hôm điện về Thạch Sơn, chẳng ai bảo ai mỗi hộ trong xã tự nguyện mang một con gà và gạo nếp đến UBND xã bảo là xin được ăn liên hoan cùng chính quyền. Niềm mong ước bấy lâu nay đã thành sự thật, ai cũng phấn khởi ra mặt. Nhờ có điện, các nhà mạng như Vinaphone, Viettel cũng đã lắp đặt trạm BTS để bảo đảm thông tin thông suốt. Cũng nhờ có điện mà bộ phận “một cửa” của UBND xã được trang bị hai máy vi tính kết nối Internet cùng máy in, máy photocopy bảo đảm xử lý nhanh hồ sơ, giấy tờ của người dân theo quy định. Có Internet giúp một số thủ tục như: Cấp giấy khai sinh, giải quyết chế độ, chính sách về lao động, thương binh và xã hội... được liên thông trực tiếp với bộ phận “một cửa” của huyện và các sở, ngành trong tỉnh. Bây giờ cán bộ xã không phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà" nữa mà thông qua hệ thống loa truyền thanh  mới được lắp đặt tại các thôn, khu lẻ, mọi chủ trương, chính sách, chương trình công tác của xã, của thôn đều dễ dàng được chuyển tải đến người dân.

Thầy Nguyễn Anh Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Thạch Sơn tâm sự: “Trước đây lớp học không có điện, hôm nào trời mưa, tối trời là phải cho học sinh nghỉ, giáo viên cũng phải tranh thủ ánh sáng ban ngày để soạn giáo án, còn giờ đây lớp học duy trì thường xuyên nên chất lượng giáo dục được nâng cao rõ nét”. Không thể kể hết niềm vui của nhân dân địa phương kể từ khi có  điện.

Ánh điện về đã không chỉ thắp sáng vùng rừng núi vốn bao đời gắn bó với cây đèn dầu mà còn góp phần thiết thực nâng cao đời sống đồng bào. Rồi đây, cuộc sống của bà con sẽ đổi thay nhanh chóng, cái đói, cái nghèo sẽ dần bị xua đi.

KIM SA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh