THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:18

Trọng tâm là quản lý nợ công hiệu quả và tăng trưởng cao

 

Mục tiêu biến các giải pháp thành hiện thực

Cùng tham dự, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, các định chế tài chính, các chuyên gia quốc tế tại Diễn đàn còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn đối tác phát triển 2016

 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, VDF 2016 là một cách tiếp cận đổi mới trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng các đối tác phát triển tại Việt Nam. Phương thức tiếp cận này dựa trên nền tảng kế thừa và phát triển của mô hình Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) đã được tổ chức trước đây.

Trong Diễn đàn này, Chính phủ với vai trò kiến tạo, sẽ lắng nghe các chuyên gia, các đối tác phát triển về những quan điểm, nhận định, đánh giá và khuyến nghị về các vấn đề đang được Chính phủ và người dân cùng quan tâm.

Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những điều chỉnh cần thiết nhằm thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, không chỉ riêng cho năm 2017 mà còn cho cả trung và dài hạn.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động với mục tiêu biến các giải pháp thành hiện thực, đưa các mục tiêu kế hoạch thành những những kết quả cụ thể trên thực tiễn.

Diễn đàn VDF 2016 lần này với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển” có mục tiêu góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ đã đề ra.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 có khả năng chỉ đạt 6 - 6,3%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5% như mục tiêu đề ra. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, lâm thủy sản đang giảm tăng trưởng qua các quý trong năm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và tác động môi trường do con người gây ra.

Năm 2016, vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách cũng được coi là điểm nóng của kinh tế vĩ mô khi Chính phủ có nhiều quyết sách giảm tỷ lệ nợ công, thắt chặt chi đầu tư công, chi thường xuyên tại các Bộ, địa phương bằng kỷ luật ngân sách.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, qua Diễn đàn VDF lần này, Chính phủ Việt Nam muốn lắng nghe và rất cần kinh nghiệm quốc tế về việc xử lý mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng.

 

 

Đồng chủ tọa Diễn đàn, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam bày tỏ niềm phấn khởi khi tiếp tục trở thành đối tác kiến tạo cho sự phát triển của Việt Nam.

Ông Ousmane Dione chúc mừng Việt Nam về thành tựu là ổn định được kinh tế vĩ mô 5 năm liên tục và cho rằng, đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

Tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau

Lắng nghe các tham luận và phản biện tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là những đóng góp hết sức quan trọng ở tầm xây dựng chính sách vĩ mô, giúp các cơ quan của Chính phủ nhận định, đánh giá đúng tình hình, triển vọng phát triển của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Từ đó, đề ra các chủ trương, biện pháp phát triển phù hợp nhằm thực hiện thành công kế hoạch năm 2017, Chương trình hành động Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, với các nhiệm vụ, giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhắc lại phát biểu nhậm chức trước Quốc hội của mình về quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những nội dung này đã được Chính phủ cụ thể hóa trong các văn bản quan trọng thời gian qua như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Nghị quyết phiên họp thường kỳ…. 
Thông tin đến các nhà tài trợ ,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dự kiến năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,3%; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP (vốn FDI thực hiện đạt gần 15 tỷ USD).

Nhấn mạnh đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng GDP bình quân đạt 6,5 - 7% giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng nhất trí với các ý kiến đánh giá, phân tích những yếu tố sẽ tác động mạnh đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam như: Biến động khó lường của giá dầu; xu hướng tăng bảo hộ thương mại (việc phê chuẩn Hiệp định TPP gặp trở ngại); biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán diễn biến phức tạp; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, nợ công tăng nhanh, sức ép trả nợ lớn…

“Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm xây dựng hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nguời dân, doanh nghiệp; coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016-2020”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.


Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra một số định hướng và giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế của Chính phủ. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thế chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; Hai là, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Ba là, tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh - coi đây là một trọng tâm của năm 2017.

Bốn là, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường trong thực hiện kế hoạch 2016-2020; Năm là, nợ công ngày càng là một thách thức chính sách vĩ mô của Việt Nam - cũng là một nội dung quan trọng trong Diễn đàn; Sáu là, xử lý nợ xấu là hết sức quan trọng như các ý kiến chuyên gia nêu tại Diễn đàn.

Bảy là, Chính phủ Việt Nam khẳng định bảo đảm an sinh xã hội luôn là một nhiệm vụ ưu tiên; Tám là, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn với kim ngạch thương mại gần 170% GDP.
Cùng với đó, tại Diễn đàn, các ý kiến cũng đã phân tích về các tác động đa chiều của bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là tác động của các Hiệp định thương mại song phương, đa phương và khả năng có thể xảy ra đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định quan trọng đối với tất cả các nước cùng tham gia.

Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong về việc xử lý mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng,khuyến nghị nào phù hợp đối với Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, những ý kiến từ Diễn đàn sẽ góp phần giúp các cơ quan của Việt Nam định hình được những tham mưu hiệu quả đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, có những quyết sách chính xác, đem lại hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vào dự Diễn đàn

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp tại Diễn đàn

Các đối tác, chuyên gia quốc tế được báo giới quan tâm, phỏng vấn


THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh