THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:23

Điện Biên: Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là một trong những tỉnh thuộc diện khó khăn nhất cả nước, với tỷ lệ hộ đói nghèo cao gấp nhiều lần mặt bằng chung của cả nước. Theo quy định phân loại huyện nghèo của Chính phủ, Điện Biên có 7 huyện nghèo (trong đó, có 5 huyện nghèo nhóm 1 gồm các huyện thuộc Chương trình 30a và 2 huyện nghèo nhóm 2). Toàn tỉnh có 103/129 xã, phường, thị trấn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Đời sống của đại bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà... vẫn còn hết sức khó khăn.

Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong đó có Quỹ Quốc gia về việc làm luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo, với mục tiêu thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động tín dụng chính sách đã thực sự góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định an sinh xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, Dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần thực hiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Tính đến 31/5/2021, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm của tỉnh là 148,019 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn cho vay đã góp phần tạo việc làm cho 669 người.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện giúp người nghèo ở huyện Tuần Giáo
có điều kiện phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện giúp người nghèo ở huyện Tuần Giáo có điều kiện phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình

Từ thực tiễn cho thấy, nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần quan trọng giúp hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, xã hội trên địa bàn. Ngân hàng chính sách xã hội đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, là địa chỉ tin cậy cung cấp tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chia sẻ thực tế việc triển khai Quỹ Quốc gia về việc làm tại địa phương, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên cho biết, nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đã đạt hiệu quả cao trong giải quyết việc làm và cải thiện, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống người lao động.

“Nhiều mô hình phát triển kinh tế được thực hiện hiệu quả với sự góp sức của vốn vay giải quyết việc làm. Như mô hình trang trại trồng cây ăn quả ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Noong U, huyện Điện Biên Đông; nuôi cá lồng ở thị xã Mường Lay; trồng dứa xuất khẩu tại xã Na Sang, huyện Mường Chà... Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Những năm qua, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trong cả nước đã giải ngân hàng chục nghìn tỷ đồng đến khách hàng vay để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Phương châm chi trả của chúng tôi là ba đúng: Đúng quy định, đúng quy trình nghiệp vụ, đúng đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, hiện nay, trong thực tế, nhu cầu vay vốn của đối tượng được thụ hưởng lớn, trong khi, nguồn vốn hạn hẹp, nhiều lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này”, ông Nam cho biết.

Hà Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh