Điện Biên: Hỗ trợ giảm nghèo thông qua đa dạng hóa sinh kế
- Dược liệu
- 13:18 - 07/08/2019
Khuyến khích người dân sản xuất, vươn lên thoát nghèo
Theo kết quả rà soát, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Điện Biên có 47.336 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 37,08% (giảm hơn 3.800 hộ nghèo, tương đương 3,93% so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a giảm từ 56,84% xuống còn 52,09%. Mục tiêu đến hết năm 2019, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,97%.
Dứa là cây trồng chủ lực giúp nông dân xã Na Sang, huyện Mường Chà xóa đói giảm nghèo.
Tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu giảm nghèo trong năm 2019 là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách về hộ nghèo, hộ cận nghèo giữa các địa phương và các nhóm dân cư. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc Chương trình 135. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Về mục tiêu cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 33,97%; các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm; hộ cận nghèo giảm còn 5,45%; hộ dân tộc thiểu số nghèo còn 43,45%/tổng số hộ dân tộc thiểu số; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
Ðể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2019, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tập trung triển khai cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách xã hội được vay vốn sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình nước hợp vệ sinh... Ðồng thời, ưu tiên đầu tư xây mới, tu bổ và nâng cấp hệ thống cấp và lưu trữ nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn dùng quanh năm với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia, thông qua các nguồn kinh phí Nhà nước và đóng góp của nhân dân. Vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, ưu tiên hộ nghèo có người cao tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các dự án, chính sách thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tăng cường công tác giám sát, đánh giá Chương trình giảm nghèo.
Các cấp, ngành tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện trên địa bàn tỉnh để xác định những chính sách phù hợp. Qua đó, đề xuất điều chỉnh theo hướng mở rộng các chính sách khuyến khích sản xuất, thoát nghèo để người dân khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở cho việc triển khai các chính sách giảm nghèo. Ðặc biệt, các đơn vị chuyên môn phải nắm được nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ tranh thủ sự đầu tư của Trung ương và tăng cường vốn ngân sách địa phương; tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, cộng đồng; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án giảm nghèo của các chương trình, nhằm tạo nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo
Ðổi mới cách thức hỗ trợ giảm nghèo
Trước đây, cách thức hỗ trợ giảm nghèo thường theo hình thức cho “con cá”, mang nặng tính bao cấp: hỗ trợ gạo; trợ cấp tiền điện, tiền dầu; xây dựng đường giao thông, nhà ở... Trong khi đó việc hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ, ý chí tự lực để người dân vươn lên thoát nghèo chưa được chú trọng. Cách làm này thiếu tính bền vững, tạo cho người dân tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới cách thức hỗ trợ giảm nghèo “trao cần câu, không trao con cá”, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Ðồng thời, chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo nghề... để người dân tự chủ trong lao động sản xuất, tạo của cải, vật chất.
Theo cách bình xét hộ nghèo đa chiều hiện nay, không chỉ nghèo về thu nhập mà còn nghèo do thiếu hụt các dịch vụ như: Y tế, giáo dục, truyền thông... Do đó, ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế, các xã chú trọng kêu gọi hỗ trợ, hướng dẫn người dân thông qua các mô hình giảm nghèo về các dịch vụ xã hội.
Năm 2018, tổng nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo và nông thôn mới trong toàn tỉnh khoảng trên 600 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, nhiều tuyến giao thông được mở mới, bê tông hóa; kênh mương thủy lợi được kiên cố; hàng trăm điểm trường, phòng học, trạm y tế được xây dựng... làm thay đổi diện mạo nông thôn, giải quyết vấn đề thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản tại nhiều xã, thôn, bản. Ðối với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả được tổ chức, nhân rộng, hàng nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề...