Điểm tựa giữa Trường Sa
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:14 - 10/07/2015
.
Yên tâm tránh bão
Quảng Nam có 2 nghề khai thác hải sản xa bờ chủ lực là câu mực khơi và lưới vây. Ngư trường hoạt động chính của 2 nghề này là xung quanh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trở về từ ngư trường Trường Sa mới đây, ngư dân Trần Văn Thái (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành, chủ tàu câu mực khơi) cho biết: “Chúng tôi rất yên tâm khi khai thác hải sản ở xung quanh quần đảo Trường Sa. Khi biển cả dông gió thất thường, chúng tôi liền đưa tàu vào đảo Đá Tây tránh né. Khu vực hậu cần phục vụ nghề khai thác hải sản được bố trí rất rộng rãi, đáp ứng nhu cầu neo đậu và trao đổi nhu yếu phẩm”.
Ngư dân Quảng Nam cập đảo Đá Tây để thực hiện các dịch vụ hậu cần. Ảnh: N.Q.V
Trong các nghề khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam, câu mực khơi có thời gian bám biển lâu nhất, đến hơn 2 tháng ròng. Anh Thái kể, trước đây khi gặp sóng to gió lớn hoặc cạn lương thực, nước uống, ngư dân phải cấp tập đưa tàu về đất liền nên chuyến biển gián đoạn liên tục, tốn kém quá nhiều, cả nhiên liệu lẫn thời gian bám biển nên hiệu quả sản xuất thấp. Từ hơn 5 năm nay, ngư dân có thể cập vào khu trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây được quản lý bởi Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ NN&PTNT) để trú ẩn an toàn và mua sắm nhu yếu phẩm.
Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cũng là nơi tập kết của tàu cá theo nghề lưới vây của ngư dân Quảng Nam mỗi khi dông gió nổi lên trên biển. Đến thời điểm này, ngư trường sản xuất của đa số ngư dân theo nghề này vẫn là quần đảo Hoàng Sa. Do tại đây không có chỗ neo đậu tàu cá an toàn nên một số ngư dân đã linh hoạt chuyển đổi ngư trường sang quần đảo Trường Sa. “Trước đây, ngư dân chúng tôi có thể neo đậu tàu cá ở các đảo Bạch Quy hay Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa mỗi khi thời tiết thất thường. Tuy nhiên điều đó là không thể trong vài năm trở lại đây khi tàu Trung Quốc ráo riết truy đuổi. Chuyển hướng sang khai thác hải sản ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi yên tâm hơn vì ở đây có chỗ dựa vững chắc” - ngư dân Nguyễn Thanh Vương (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) cho biết.
Tiếp sức ngư dân
Hiện ở quần đảo Trường Sa có 4 khu neo đậu tàu cá, giúp ngư dân yên tâm tránh trú bão ở các đảo Đá Tây, Tốc Tan, Song Tử Tây, Sinh Tồn. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ ở mỗi điểm đảo đã giúp đỡ hàng nghìn lượt tàu cá của ngư dân vào neo đậu tránh gió bão và gặp bất trắc trên biển. Riêng các hoạt động hậu cần như bán xăng dầu, thực phẩm, sửa chữa máy móc tàu cá chỉ có tại đảo Đá Tây và Tốc Tan. |
Theo lời kể của nhiều ngư dân, tại khu trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây hiện có nhiều dịch vụ đảm bảo các điều kiện cần thiết cho các tàu khai thác hải sản bám biển dài ngày. Điều đặc biệt là ngư dân có thể tiêu thụ sản phẩm ở đây với giá ổn định theo mức quy định của Bộ NN&PTNT và việc tiếp nhiên liệu cũng bằng giá ở đất liền. Ngư dân Võ Hồng Nhân (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình), chủ tàu cá QNa-94646 theo nghề câu mực khơi cho biết thêm, khi neo đậu tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, ngư dân được sử dụng nước ngọt miễn phí, được bố trí nơi ở chu đáo, được chăm sóc y tế và hưởng các dịch vụ văn hóa - tinh thần như chơi bóng bàn, đọc sách, báo. Ngoài ra, trong các trường hợp không may, tàu cá của ngư dân bị nạn được sửa chữa miễn phí tại đây. Tàu cá gặp nạn cũng được cứu hộ, cứu nạn mà ngư dân không phải trả chi phí dịch vụ.
Ông Trương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông cho biết, từ năm 2012, ngoài các dịch vụ tại đảo Đá Tây, công ty đã mở rộng các hoạt động hậu cần di động khắp vùng biển Trường Sa. Cụ thể, công ty đã đưa các tàu lớn chở đầy đủ nhiên liệu và hàng hóa đến các đảo Tốc Tan, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn và những ngư trường có nhiều tàu cá của ngư dân khai thác, neo đậu, trực tiếp cung ứng các dịch vụ hậu cần. “Hiện tại, phao chứa nhiên liệu Đá Tây 04 của chúng tôi thường xuyên trung chuyển dầu, nước từ các két trên đảo để các tàu cá của ngư dân khi cập mạn được tiếp nhận thuận tiện, không phải chèo thuyền thúng vào đảo xách từng can. Các tàu Đá Tây 02 và 03 trực tại khu dịch vụ hậu cần và tuần tra khu vực đảo Đá Tây, tham gia cứu nạn, lai dắt và hướng dẫn tàu cá của ngư dân neo đậu an toàn khi vào tiếp nhận các dịch vụ hậu cần. Mọi hoạt động của chúng tôi đều tập trung phục vụ ngư dân, giúp quá trình bám biển của họ được thuận tiện nhất có thể” - ông Trương Ngọc Lân nói.