Điểm danh thị trường XKLĐ trọng điểm năm 2016
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:10 - 04/02/2016
Theo ông, đâu là những thị trường lao động triển vọng nhất năm 2016?
Theo tôi, Nhật Bản và Đài Loan vẫn là hai thị trường trọng điểm năm 2016. Hai thị trường này có mức tăng trưởng cao, tiếp nhận nhiều lao động. Năm 2015, Đài Loan dẫn đầu thị trường với việc tiếp nhận 67.121 lao động Việt Nam (chiếm 57,87% tổng số lao động đưa đi).
Tốc độ tăng trưởng về lao động xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản cũng rất khả quan. Nếu năm 2013, Việt Nam đưa được 10.000 lao động thì năm 2014 là 20.000 và năm 2015 là 27.010 lao động, chiếm 23,23% trong tổng số 115.980 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2015. Trong nửa đầu năm 2016, Nhật Bản sẽ thông qua Luật tiếp nhận thực tập sinh điều dưỡng, mở nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp đưa thực tập sinh vào thị trường này.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)
Tương lai cũng mở ra một số ngành mới tại Đức khi nước này đã ký hiệp định mở thêm việc tiếp nhận lao động ở một số chuyên ngành liên quan tới ngành Y. Hiện chúng ta đang thực hiện thí điểm đưa hộ lý sang thị trường này.
Trong số những thị trường trọng điểm thì Nhật Bản vốn được xem là thị trường khó tuyển nguồn?
Nhật Bản khó tuyển nguồn do yêu cầu thị trường này là tối thiểu người lao động phải tốt nghiệp phổ thông và trước đó đã làm việc tại doanh nghiệp của Việt Nam theo đúng ngành sẽ sang Nhật Bản làm. Trong khi, khu vực nông thôn là nơi cấp nguồn chủ yếu cho lao động xuất khẩu, dẫn tới việc doanh nghiệp phải đào tạo kéo dài ít nhất 6 tháng về ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng làm việc, sinh hoạt mới có thể đưa lao động đi. Đây là khó khăn với cả người lao động và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn tuyển được người lao động đáp ứng yêu cầu bằng cách đào tạo dài hơi.
Hiện tượng bỏ trốn vẫn là vấn đề gay gắt mà Việt Nam chưa có biện pháp giải quyết, thưa ông?
Lao động trốn là vấn đề bức xúc, tình trạng này chưa hết. 3 thị trường trọng điểm cũng là những thị trường có tỷ lệ bỏ trốn cao nhất. Tỷ lệ bỏ trốn ở Nhật Bản chưa cao lắm, nhưng ở Hàn Quốc và Đài Loan thì số lao động Việt Nam bỏ trốn đứng đầu trong số các nước đưa lao động sang 2 thị trường này.
Kể từ năm nay, Cục sẽ áp dụng chính sách nếu doanh nghiệp nào có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao sẽ dừng cấp phép đưa lao động xuất khẩu.
Hàn Quốc hiện chưa tiếp nhận lao động mới, nên nhiều vụ lừa đảo đã diễn ra, ông có đưa ra cảnh báo gì với người lao động?
Hàn Quốc chưa bao giờ đưa ra tối hậu thư với Việt Nam, nhưng họ cũng muốn giảm tỷ lệ người lao động hết hạn hợp đồng vẫn ở lại. Khi tỷ lệ này quá cao thì 2 bên dừng tiếp nhận lao động mới để đàm phán.
Trước thực tế này, thời gian gần đây, một số đối tượng cò mồi, môi giới đã lợi dụng sự cả tin của những người lao động không hiểu biết về các chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc để lừa đảo, thu tiền bất chính của người lao động. Những đối tượng này thường đưa ra những thông tin không chính xác, hứa hẹn có thể giúp đỡ người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc qua những kênh khác nhau, thậm chí, có đối tượng đã giả mạo hợp đồng, con dấu và chữ ký của Lãnh đạo Bộ để lừa đảo.
Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa đưa ra khuyến cáo tới người lao động. Theo đó, người lao động nên cảnh giác trước những lời mời, hứa hẹn giúp đỡ, liên hệ cơ quan chức năng kiểm chứng thông tin, đồng thời tìm hiểu về các các thông tin, chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc qua các website của Cục (http://www.dolab.gov.vn) và Trung tâm Lao động ngoài nước (http://colab.gov.vn).
Chúng tôi cũng đề nghị người lao động tố giác ngay với cơ quan chức năng như Công an, Sở LĐ-TB&XH nơi cư trú và Cục Quản lý lao động ngoài nước để phối hợp xử lý khi phát hiện những trường hợp lừa đảo.
Hiện, lao động sang Hàn Quốc chỉ đi theo 3 chương trình: Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS); Chương trình đưa lao động sang làm thuyền viên tàu cá gần bờ và xa bờ Hàn Quốc và Chương trình Đưa lao động trình độ cao sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình thẻ vàng (visa E7).