Dịch vụ ngân hàng và trách nhiệm xã hội
- Huyệt vị
- 22:20 - 20/02/2015
Nhà nhà mở thẻ, người người mở thẻ
Cô giáo Nguyễn Thị Đông, giáo viên trường tiểu học ở huyện Sông Lô, (Vĩnh Phúc) cho biết: "Cách đây 3 năm nhà trường đề nghị cán bộ và giáo viên mở tài khoản tại Agribank và lệ phí cho việc mở tài khoản là 50,000 đồng/thẻ. Mặc dù tài khoản và thẻ đã được mở 3 năm, nhưng lương của các thầy cô giáo vẫn được trả bằng tiền mặt. Cũng may là được nhận lương bằng tiền mặt, chứ nếu nhận qua tài khoản thì làm khó chúng tôi rồi vì chúng tôi cũng chẳng biết sử dụng thẻ như thế nào và mật mã (pin) được dùng để làm gì? Chúng tôi là giáo viên ở quê, nên những lúc nhàn rỗi tranh thủ đi làm đồng giúp người thân, cả xã may mắn có một cây ATM của Agribank thì hầu như không hoạt động. Còn nếu phải chạy xe máy gần 10 cây số lên thị trấn rút tiền thì chúng tôi không đi được".
Đa dạng các loại thẻ. Ảnh minh họa.
"Mặc dù lương của em có 2,7 triệu một tháng -Hải Dương, giáo viên môn vật lý một trường Trung học tại TP .Hồ Chí Minh tâm sự-, em cũng có tới 2 cái thẻ của hai ngân hàng khác nhau, một trả lương và một trả thưởng. Thưởng thì năm thì mười họa mới có và chủ yếu là tết và cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng em phải trả lệ phí thường niên cho hai ngân hàng. Nói thực tiền thì toàn âm mà lúc nào trong người cũng kè kè hai cái thẻ, nhưng vì đó là quy định nên đâu có bỏ đi được".
Còn với Phương đang làm việc cho một công ty của Hàn quốc cho biết, cô có tới 6 cái thẻ ngân hàng vì mỗi lần chuyển việc là phải làm thẻ để công ty trả lương. Thẻ cũ thì tiền không vào nữa, còn công ty mới thì chỉ trả lương vào thẻ mới mở ở ngân hàng nơi mà công ty có tài khoản. Do hầu hết các thẻ cô mở có mục đích là để nhận lương, nên miễn phí thường niên nên mặc dù không dùng nữa cô cũng chẳng đi đóng làm chi. Tìm hiểu ra thì được biết do các ngân hàng thường ký hợp đồng với các công ty để trả lương cho nhân viên và nếu công ty chuyển từ của họ vào tài khoản cho nhân viên trong cùng chi nhánh thì được miễn phí chuyển tiền nên cứ có nhân viên mới là công ty yêu cầu họ đi mở tài khoản để được chuyển miễn phí và cứ mỗi lần nhảy việc là túi lại có thêm thẻ.
Hiền đang làm việc cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh cho biết. Trước kia ở Nha Trang, có một tài khoản ngân hàng tại Vietcombank ở Nha Trang. Mặc dù đã chuyển vào làm việc ở TP. Hồ Chí Minh được hơn 2 năm, nhưng Hiền không muốn sử dụng thẻ cũ, vì tuy trong cùng một ngân hàng Vietcombank nhưng khác chi nhánh nên có làm bất kỳ việc gì (nộp tiền, rút tiền...) đều bị tính phí, nên cô đã buộc phải mở một thêm thẻ nhưng do chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phát hành. Mặc dù tài khoản ở Nha trang cô muốn đóng nhưng phải về đó mới đóng được. Mỗi lần cô về thăm nhà, toàn là ngày nghỉ nên ngân hàng cũng nghỉ luôn nên chưa đóng được.
Ngoài ra còn rất nhiều thẻ, tài khoản do các ngân hàng phát cho học sinh, sinh viên mỗi khi năm học mới bắt đầu. Hà cựu sinh viên Học viện Ngân hàng cho biết: "Tài khoản ngân hàng của em hầu như chẳng có xu nào cũng chẳng có ai chuyển cho em bao giờ. Em mở thẻ khi đích thân nhân viên ngân hàng đến tận trường mở thẻ miễn phí cho sinh viên năm đầu. Tiền chi tiêu hàng tháng, mỗi lần về nhà mẹ cho em tiền mặt cầm theo nên em không dùng tới thẻ".
Chủ thẻ được lợi gì?
Đã có khi nào một vị tổng giám đốc, hay chủ tịch HĐQT ngân hàng nghĩ đến quyền lợi của người dùng thẻ? Chủ thẻ được lợi những gì khi mở thẻ và sử dụng tài khoản/thẻ của ngân hàng của họ? Hay ngân hàng bằng cách này hay cách khác tìm cách, "moi móc" đồng tiền lương còm cõi của công nhân các khu công nghiệp, hay các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa bằng hàng gánh các loại phí?
Những dòng chữ như trong màn hình, thường xuất hiện ở các cây rút tiền. Ảnh minh họa.
Nếu như ở hầu hết các nước phát triển như Đức, việc mở thẻ là hoàn toàn miễn phí áp dụng cho tất cả mọi khách hàng, rút tiền nội mạng và rút tại các ngân hàng liên kết với ngân hàng phát hành thẻ đều không bị tính phí. Thì ở Việt nam các ngân hàng lại hoàn toàn làm ngược lại, sau khi có thẻ thì chủ thẻ phải è cổ ra gánh một loạt các loại phí, từ phí rút tiền, chuyển tiền, nộp tiền, đến phí thường niên, phí sao kê, phí quên mất mật mã, phí thiết bị bảo mật, phí tin nhắn, thôi thì các loại phí không sao kể hết.
Nếu như sử dụng internet banking ở nước ngoài để chuyển tiền đến tất cả các tài khoản được mở tại các ngân hàng trong phạm vi quốc gia họ đều được miễn phí, điều đó đã khuyến khích người dân ít dùng tiền mặt thì ở Việt nam hầu như bị tính phí. Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ (điện, nước, internet, điện thoại, di động..) đã và phải nuôi cả một núi nhân công để đi đến từng hộ gia đình thu phí tại nhà, thì dịch vụ internet được nhà nước và ngân hàng khuyến khích chủ thẻ sử dụng lại bị họ bỏ ngỏ? Các nhà cung cấp nói trên vẫn, đã, đang và sẽ tiếp tục làm cái công việc thủ công đi ngược lại công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đến tận nhà người sử dụng để thu tiền, điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng đã và đang tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ đi ngược lại với chủ trương kuyến khích không dùng tiền mặt của nhà nước. Do bởi internet banking tiện lợi, nhanh chóng có thể được sử dụng, nhưng lại bị tính phí, trong khi người tiêu dùng còn có dịp được hưởng chế độ "đãi ngộ" thu tiền tại nhà thì việc gì họ phải chuyển khoản cho tốn tiền làm gì?
Bên cạnh đó với nhiều ngân hàng cố gắng lôi kéo khách hàng mở thẻ tại ngân hàng của họ. Nhưng điều đặc biệt là khi khách hàng có gặp trục trặc, cần đến sự hỗ trợ của nhân viên ngân hàng bằng cách gọi lên tổng đài, nhưng nhiều ngân hàng có số đường dây nóng luôn trong tình trạng không thể kết nối được.