THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:49

Dịch vụ “hốt bạc” sau Tết

Kiếm tiền triệu mỗi ngày từ gom đào, quất

Từ mùng 6 đến ngoài rằm tháng giêng, khắp các con phố, ngõ nhỏ ở Hà Nội xuất hiện đội quân chuyên đi thu gom “xác" đào, quất. Họ có thể là những chủ vườn, hoặc người nông dân ở những vùng ngoại thành của Hà Nội tranh thủ kiếm tiền sau những ngày Tết.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (phường La Dương, quận Hà Đông) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ sau kỳ nghỉ tết là hai vợ chồng anh lại rong ruổi xe máy đi khắp các ngõ ngách, hẻm phố để... thu mua gốc đào, quất về cho vườn cây của mình.

Từ đầu Tết đến nay, anh đã mua được vài trăm gốc đào, quất, sau đó thuê xe chở về vườn để tiếp tục chăm sóc. Theo lời anh Hùng, hầu hết các gốc đào, quất loại nhỏ hoặc loại vừa được người dân vứt đầy vỉa hè, ven đường, cạnh các thùng rác, thậm chí nhiều gia đình hào phóng đến mức mời vào nhà để "rước của nợ" đi cho nhanh.

Không có kinh nghiệm trồng đào và quất, nhưng chị Nguyễn Thị Hòa (xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn tranh thủ những ngày này đi thu gom đào, quất rồi đem về bán cho các chủ vườn ở phường La Dương.

Nhiều gốc đào lại được đưa trở lại về các nhà vườn, chờ “bội thu” vào năm sau.

Nhiều gốc đào lại được đưa trở lại về các nhà vườn, chờ “bội thu” vào năm sau.

Chị Hòa cho biết: “Một cây đào cổ thụ, thế đẹp nếu mua trước Tết có giá vài triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng. Sau tết, các gia đình thiếu không gian để trồng hoặc không biết cách chăm sóc nên bán lại với giá cực rẻ, chỉ vài trăm ngàn đồng, đẹp lắm cũng trên dưới 1 triệu đồng, mua được những gốc đào có giá trị như vậy, khi sang tay cho các chủ vườn mình cũng có lãi từ 200-300 ngàn đồng/gốc.

Những gốc đào, quất xin được hoặc lượm về cũng có thể bán lại với giá vài chục ngàn đồng, có khi là 300 - 500 ngàn đồng/cây. Mỗi ngày làm vài ba chuyến xe thồ về vườn cũng kiếm được tiền triệu, bằng cả tháng đi buôn rau”.

“Ôsin” hét giá trên trời

Anh Tuấn, nhân viên một trung tâm môi giới việc làm trên đường Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, ngay từ mùng 4 Tết, nhiều gia đình ở Hà Nội đã đến trung tâm để “đặt chỗ” tìm người giúp việc.

Mỗi ngày, trung tâm này nhận được 20 - 25 đơn yêu cầu trực tiếp của khách và hàng chục cuộc điện thoại nhờ tìm người giúp việc. Tuy nhiên, do đầu năm mới những người làm nghề giúp việc còn nấn ná ở lại quê nên trung tâm rất khó đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phí môi giới thành công mỗi vụ tăng lên 800.000 - 1.000.000 đồng.

Dẫu vậy, đa số khách hàng đều cho rằng, giá không quan trọng, miễn là tìm được người giúp việc ưng ý. “Giá thuê người giúp việc bây giờ rất cao, chừng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng đối với gia đình có con nhỏ hoặc người già, khoảng 3 triệu đồng/tháng đối với gia đình chỉ cần giúp việc nhà.

Giá dịch vụ giúp việc theo giờ cũng cao, từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/giờ, tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường”, anh Tuấn cho biết.Dịch vụ “hốt bạc” sau Tết

Sắp lễ, viết sớ, trông xe cùng... phát tác

Truyền thống của người Việt Nam mỗi khi Tết đến người dân thường đi lễ đình, chùa, cầu cho năm mới sức khỏe, bình an, vì vậy những ngày đầu xuân mới cũng là mùa “chặt chém” của các dịch vụ ăn theo việc cúng lễ.

Giá vé gửi xe máy nhảy vọt từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng, nhiều nơi là 10.000 – 15.000 đồng, với ô tô, phí trông xe cũng ngất ngưởng sao cho "xứng tầm" với đẳng cấp xe bốn bánh,  dao động từ 50.000 - 150.000 đồng/xe.

Tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội), bãi gửi xe chật kín, phí gửi xe vào dịp này tăng lên 10.000 đồng, thậm chí 20.000 đồng/xe máy và 100.000 – 150.000 đồng/ô tô.

Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, bãi đỗ xe được tăng cường ra hết khuôn viên phía ngoài và tràn ra cả khu vực vỉa hè ở bên ngoài, tuy nhiên, vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách.

Tại chùa Bia Bà (La Khê, Hà Đông), những bàn viết sớ cầu sức khỏe, phúc lộc... xếp thành hàng dài sát lối đi vào cổng chùa.

Nếu như một lá sớ viết vào các ngày rằm trong năm chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng thì dịp Tết đã tăng lên  30.000 - 40.000 đồng. Một người viết sớ vào ngày cao điểm có thể phục vụ cả trăm khách hàng. 

Tại những sạp bán đồ lễ trong các khu vực đình chùa, nhiều mặt hàng như bánh kẹo, hoa quả và đồ lễ như xôi giò... cũng được bán với giá cao hơn rất nhiều ngày thường.

Một bông hoa hồng được bán với giá dao động từ 20 - 25.000 đồng, gấp 5 lần so với ngày cận Tết. Một bó hương ngày thường giá khoảng 2.000 đồng, nay có giá 5.000 đồng. Hoa quả phục vụ cúng lễ cũng tăng gấp đôi, gấp ba.

Các loại “lộc” như cành mía, bật lửa, muối, gạo đựng trong túi nhỏ được bán với giá từ 10.000 – 20.000 đồng/chiếc. Mặc dù bị hét giá cao, nhiều người vẫn chấp nhận mua để bày cho đủ lễ.

Châu Anh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh