THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:10

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại các địa phương

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, trên địa bàn huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên phát hiện thêm 2 ổ bệnh tả lợn châu Phi. Chính quyền địa phương đang đánh giá lại mức độ và khả năng lây lan của bệnh để đưa ra quyết định về việc công bố dịch bệnh ở quy mô cấp huyện.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh cùng chính quyền địa phương xã Ea Bar và Ea Lâm đã cắm biển thông báo vùng có bệnh tả lợn châu Phi tại các khu vực này. Bên cạnh đó, thành lập các tổ lưu động kiểm soát, theo dõi tình hình dịch bệnh và thực hiện phun thuốc tiêu độc sát trùng tại ổ bệnh và vùng xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, về vấn đề công bố dịch bệnh trên địa bàn huyện Sông Hinh, căn cứ theo quy định của Luật Thú y thì tùy thuộc vào mức độ lây lan của dịch để quyết định. Thẩm quyền, thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định công bố dịch bệnh động vật khi có đủ các điều kiện như: bệnh xảy ra trong tỉnh có khả năng lây lan rộng; có kết luận chẩn đoán xác định là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật…

Trong ảnh: Chôn lấp xác lợn chết do nhiễm dịch bệnh tả lợn châu Phi. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Tính đến nay, toàn tỉnh Phú Yên đã có 3 ổ bệnh tả lợn châu Phi. Tất cả đều thuộc phạm vi của 2 xã Ea Bar, Ea Lâm (huyện Sông Hinh). Các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên cũng khuyến cáo người chăn nuôi không dấu dịch bệnh để tránh tình trạng lây lan ra diện rộng.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước, ngày 24/6, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú đã tiến hành tiêu hủy thêm hàng chục con lợn mới được phát hiện dương tính với dịch tả lợn châu Phi tại 3 xã Tân Lập, Tân Hòa và Tân Phước. Cùng với đó là các biện pháp tiêu độc, khử trùng, khoang vùng dịch, nỗ lực không để dịch lan rộng.

Ghi nhận tại huyện Đồng Phú có thống kê mới nhất về tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 80.912 con, gồm 34 trang trại chăn nuôi tập trung với 70.629 con và 640 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 10.283 con. Điều đáng mừng, 34 trang trại nuôi lợn trên quy mô lớn đang kiểm soát khá tốt, chưa để dịch “tấn công”. Trong khi đó, dịch bùng phát chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Phú Nguyễn Văn Tặng cho biết khó khăn nhất trong phòng chống dịch là loại bệnh dịch này chưa có vắc-xin phòng bệnh, vi-rút gây bệnh có thể tồn tại trong nhiều năm. Do đó, việc khống chế cũng như phòng bệnh phải mất nhiều thời gian và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới đạt kết quả.

UBND huyện đã giao Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan, UBND xã, thị trấn tham mưu UBND huyện hỗ trợ người dân. Số tiền chi hỗ trợ đợt này khoảng 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của huyện.
Tính đến ngày 24/6, toàn tỉnh Bình Phước đã có 25, phường, xã thuộc 6 huyện, thị, thành phố xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi gồm thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng, Bù Đăng và Chơn Thành. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy trên 2.200 con lợn với tổng trọng lượng hơn 100 tấn.

Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở chăn nuôi của người dân (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Tại tỉnh Bình Thuận, ngày 24/6, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã có quyết định số 2954/QĐ-UBND về việc công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc. Như vậy, huyện Hàm Thuận Bắc là địa phương thứ 4 ở Bình Thuận xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

 

Theo đó, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn thôn 3, xã La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc; Xã Đông Giang và Đa Mi được xác định là vùng uy hiếp, vùng đệm. Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương, huy động mọi nguồn lực ngăn chặn và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi theo quy định.

Tại vùng dịch, UBND xã La Dạ phải thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch, lập các chốt kiểm dịch, hướng dẫn việc đi lại và thực hiện nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào nơi ổ dịch. Bên cạnh đó, các xã nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp ngăn ngừa, không để bệnh lây nhiễm và sẵn sàng ứng phó nếu có dịch.

Cũng trong hôm nay, hai ổ dịch mới cũng được ghi nhận tại thôn 4, xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh và khu phố 2, thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh. Hai địa phương này đã công bố dịch và khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Bình Thuận xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 7/6 và tính đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 4 địa phương: huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh, huyện Hàm Thuận Bắc và thị xã La Gi với tổng đàn lợn mắc bệnh và tiêu hủy là gần 1.100 con, tổng trọng lượng khoảng 140.000 kg.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan và diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp để khống chế, khoanh vùng các ổ dịch không để lây lan ra diện rộng; phân công trực tiếp cho từng thành viên giám sát theo từng xã, phường, thôn, khu phố để giám sát chặt chẽ diễn biến, tình hình chăn nuôi, dịch bệnh của từng hộ gia đình để kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh theo đúng quy định.

Để kiểm soát chặt chẽ lợn từ các vùng dịch vào vùng chưa có dịch, toàn tỉnh Bình Thuận đã thành lập 42 chốt kiểm dịch (Đức Linh 15 chốt; Tánh Linh 13 chốt; thị xã La Gi 8 chốt; Hàm Tân 6 chốt).

Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở chăn nuôi của người dân (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Theo baotintuc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh