Dịch COVID-19 gây tổn thất nghiêm trọng về thu nhập từ việc làm trên toàn thế giới
- Bài thuốc hay
- 13:40 - 24/09/2020
Ước tính trong 3 quý đầu năm 2020, thu nhập từ lao động đã giảm 10,7%, tương đương 3,5 nghìn tỷ đô la Mỹ so với cùng kỳ năm 2019. Con số này chưa bao gồm hỗ trợ thu nhập thông qua các biện pháp của chính phủ.
Mức sụt giảm lớn nhất ghi nhận được là ở các nước thu nhập trung bình thấp, với tổn thất thu nhập từ lao động lên tới 15,1%, trong đó châu Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức tổn thất thu nhập từ lao động là 12,1%.
Báo cáo nhanh số 6 của ILO: COVID-19 và thế giới việc làm cho biết tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu trong 9 tháng năm 2020 "cao hơn đáng kể" so với con số ước tính đã đưa ra trong Báo cáo nhanh số trước (công bố ngày 30/6).
Chẳng hạn như, ước tính mới về tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu trong quý II năm nay (so với quý IV/2019) là 17,3%, tương đương 495 triệu việc làm toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ/tuần), trong khi con số ước tính đưa ra trước đó là 14%, tương đương 400 triệu việc làm toàn thời gian. Dự báo mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu của quý III/2020 là 12,1% (tương đương 345 triệu việc làm toàn thời gian).
Triển vọng cho quý IV trở nên xấu hơn đáng kể kể từ Báo cáo nhanh số mới nhất. Theo kịch bản cơ sở của ILO, tổn thất thời giờ làm việc toàn cầu trong quý IV/2020 ước tính lên đến 8,6% (so với cùng kỳ năm 2019), tương đương 245 triệu việc làm toàn thời gian. Con số này cao hơn so với con số dự báo trước đây của ILO là 4,9% hay 140 triệu việc làm toàn thời gian.
Báo cáo cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tổn thất thời giờ làm việc gia tăng là người lao động ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đặc biệt là người lao động làm công việc phi chính thức, bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.
Báo cáo cũng đưa ra lưu ý là tổn thất việc làm nặng nề hơn phần nhiều là do đình trệ trong hoạt động, thụ động hơn là do thất nghiệp. Điều này mang lại những hàm ý chính sách quan trọng.
Mặc dù quy định đóng cửa nơi làm việc nghiêm ngặt đã được nới lỏng vẫn có sự khác biệt đáng kể trong việc áp dụng quy định này giữa các khu vực. 94% người lao động vẫn làm việc ở các nước hiện vẫn áp dụng một số quy định hạn chế tại nơi làm việc, 32% người lao động hiện ở các nước vẫn bắt buộc đóng cửa toàn bộ nơi làm việc, trừ những cơ sở thiết yếu.
"Khoảng trống trong kích thích tài khóa"
Báo cáo nhanh số 6 cũng xét đến tính hiệu quả của các chính sách kích thích tài khóa trong việc giảm thiểu tác động đối với thị trường lao động.
Ở những nước có đầy đủ số liệu cho quý II/2020, sự tương quan được thể hiện rõ ràng cho thấy gói kích thích tài khóa càng lớn bao nhiêu (tính theo % GDP) thì mức tổn thất thời giờ làm việc càng thấp bấy nhiêu. Trong giai đoạn này, bổ sung khoản kích thích tài khóa tương đương 1% GDP hàng năm trên toàn cầu sẽ giúp giảm thêm 0,8% mức tổn thất việc làm.
Tuy nhiên, mặc dù các gói kích thích tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế và giảm mức độ tổn thất về thời giờ làm việc, các gói kích thích tài khóa này chủ yếu được triển khai ở các nước thu nhập cao do các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển không có đủ khả năng tài chính để triển khai các biện pháp như vậy.
Để các nước đang phát triển có thể đạt được tỷ lệ kích thích tài khóa so với tổn thất thời giờ làm việc như các nước thu nhập cao, họ sẽ cần phải bơm thêm 982 tỷ đô la Mỹ (45 tỷ đô la Mỹ ở các nước thu nhập thấp và 937 đô la Mỹ ở các nước thu nhập trung bình thấp). Khoảng trống trong kích thích tài khóa đối với các nước thu nhập thấp chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị các gói kích thích tài khóa mà các nước thu nhập cao công bố.
"Khoảng trống về kích thích tài khóa" khổng lồ này thậm chí còn đáng lo ngại hơn khi xét đến sự thâm hụt về bảo trợ xã hội ở nhiều nước đáng phát triển. Hơn thế, một số nước này còn phải điều chỉnh lại chi tiêu công từ các mục tiêu khác nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này tới thị trường lao động.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO cho biết: "Cũng tương tự như việc chúng ta cần phải nỗ lực gấp đôi để đánh bại loại virus này, chúng ta cũng cần phải khẩn trương hành động ở quy mô lớn nhằm khắc phục những tác động về kinh tế, xã hội và việc làm mà virus gây nên bao gồm cả việc hỗ trợ duy trì việc làm, công việc kinh doanh và thu nhập".
"Vào thời điểm Đại hội đồng Liên hợp quốc đang họp tại New York, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương vạch ra một chiến lược toàn cầu cho công cuộc phục hồi thông qua đối thoại, hợp tác và tinh thần đoàn kết. Không một nhóm nào, một quốc gia nào hay một khu vực nào có thể đơn phương trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng này", Tổng Giám đốc ILO kết luận lại.