* Có phải từ giấc mơ thuở thiếu thời đã thôi thúc chị phải đi, dấn thân, chụp ảnh, vẽ tranh, trò chuyện để có những bài cảm về hoa?
- Nói chính xác hơn là thế giới trong những cuốn sách và những giấc mơ thuở thiếu thời luôn là nền tảng nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo trong tôi và là một trong nhiều động lực thôi thúc tôi lên đường. Trong đó, giấc mơ về một bông hoa xanh thực sự là đặc biệt đối với tôi. Nó đặc biệt vì luôn lặp đi lặp lại, với tần suất rất lớn, từ khi tôi lên 5 đến khi 7, 8 tuổi. Sau này tôi đã khá ngạc nhiên vì mình nhớ hầu hết các chi tiết trong những năm tháng đầu đời, cũng như chi tiết trong những giấc mơ ngày ấy. Nên hoa với tôi, ngay từ nhỏ đã là cái gì đó rất đặc biệt. Thêm vào đó, tôi sinh ra trong một gia đình mà ai cũng yêu hoa, thích cắm hoa, dù thời bao cấp ở Hà nội ngày ấy, nhiều người cho rằng, hoa là thứ xa xỉ. Với bố mẹ tôi thì cây cỏ hoa lá luôn là thứ phải có trong cuộc đời, nên dù sống trong phố cổ hay trong căn hộ chật hẹp tuốt trời cao, chúng tôi cũng phải có một khu vườn nhỏ. Đôi khi không có tiền mua hoa thì cắm lá xanh cũng thấy vui. Rồi sau này, dù ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bên tôi cũng có hoa, lá, cây xanh. Hoa đã đi vào cuộc sống của tôi như thế, đơn giản, bình dị, như người thân.
Tình yêu với hoa cứ tự nhiên ngấm, và tôi cũng không mấy khi lý giải cảm xúc của mình. Chỉ biết rằng, càng trưởng thành tôi càng gắn bó với hoa hơn. Niềm đam mê xê dịch của tôi được thỏa mãn khi được về với thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá. Tôi thấy mình được là mình nhất trong những chuyến đi ấy. Và từ bao giờ không biết, hoa đã là mục đích để tôi lên đường. Hoa thành chủ thể trong tất cả những công việc sáng tạo mà tôi đang làm: vẽ, viết, chụp ảnh, trang trí nội thất. Câu hỏi bạn đặt ra, chắc chỉ có chuyên gia tâm lý mới trả lời hết mọi ý. Cá nhân tôi thì thấy rằng, giấc mơ về bông hoa xanh thuở thơ bé đã và đang thành hiện thực trong cuộc đời tôi, đúng tới từng chi tiết - về sự thăng trầm, về sự cứu rỗi, về số phận...
* Hoa nói chung đã giúp gì cho cuộc đời chị? Và theo chị, hoa giúp gì cho con người?
- Mỗi khi nghe ai đó hỏi một câu tương tự, tôi luôn nghĩ tới câu ngạn ngữ Đức: “Những người gối đầu lên hoa cỏ, sẽ có giấc mơ xanh”. Trong guồng quay tới chóng mặt của thời hiện đại, chúng ta luôn vội vã. Thời gian đâu mà “gối đầu lên hoa”, mà “mơ”? Vội sống, vội yêu, vội kiếm tiền, vội đua theo những ảo vọng vật chất và danh vọng. Hoa, lá hay thiên nhiên không thể là mối quan tâm hàng đầu cũng là điều dễ hiểu. Dần dần con người mất đi khả năng thụ cảm vẻ đẹp, mất đi xúc cảm trước thiên nhiên - mà tôi tin rằng ai cũng từng có khi còn thơ bé, cuộc sống dần trở nên cằn cỗi, cuộc đời trở nên mệt mỏi hơn giữa những toan tính lạnh lùng. Và tới lúc ai cũng phải thốt lên, sự vô cảm ấy từ đâu tới?
Có bao giờ bạn tin rằng, nếu như bạn có ý thức gìn giữ tâm hồn mình qua tình yêu với thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây, thì gánh nặng cuộc đời bạn đang mang sẽ giảm bớt đi phần nào không? Hoa không làm cho bạn bớt đau khi bệnh tật, hoa cũng không giúp bạn bớt đi gánh nặng vật chất của cuộc đời. Nhưng hoa có thể làm bạn thay đổi suy nghĩ, làm bạn thành người lạc quan hơn; và như thế, một cách gián tiếp, hoa đã âm thầm giúp bạn, khơi lên bản chất tốt đẹp tiềm ẩn trong con người, để bạn có khả năng đối mặt với khó khăn một cách tích cực hơn. Hoa có thể làm điều đó như thế nào?
Không có gì tự nhiên đến. Để hoa có thể làm được điều đó cho bạn, cần cho hoa một quá trình. Hãy bắt đầu ngắm một bông hoa dại. Dành sự ngưỡng mộ cho một vạt cỏ non tơ vừa hé mắt dưới ánh mặt trời. Dành ra chỉ vài phút mỗi ngày để cảm nhận cỏ cây hoa lá, những thứ vốn bị coi là tầm thường. Ngày này qua ngày khác, sự quan tâm cho thiên nhiên cũng cần phải tập, khi bạn không “cảm” thấy chúng ở sẵn trong mình. Khơi lên trong mình tình yêu với thiên nhiên hoa lá cũng là khơi lên những gì trong sáng, thánh thiện nhất của tâm hồn. Một triết nhân đã từng nói: “Ở nơi hoa nở là thế giới cười”. Hãy sống trong thế giới ấy, để luôn được vui cười. Để rồi, cùng với năm tháng, sự kỳ diệu sẽ tới vào lúc bạn không ngờ nhất. Điều bạn nhận được từ hoa, không chỉ là vẻ đẹp nhất thời, mà chính là sự thay đổi trong con người bạn, dựa trên những cảm xúc bạn có được từ hoa. Tin tôi đi, sẽ có ngày giữa những phong ba bão táp cuộc đời, bạn vẫn tìm thấy một lối ra, bằng cách này hay cách khác, và chính những bông hoa bé nhỏ đã đóng góp phần nào trong sự chuyển biến tích cực ấy.
* Sau cuốn sách mới viết về hoa, chị có dự định làm gì để được thêm “gần hoa”?
- Tôi vẫn “gần hoa” mỗi ngày. Cắm hoa là một đam mê khác mà tôi vẫn thực hành hàng ngày và chia sẻ cùng bạn bè về nghệ thuật cắm hoa, bên cạnh việc vẽ, viết hay chụp ảnh hoa. Tôi từng tham gia một triển lãm ảnh do Leica tổ chức, trong đó cũng sẽ có những bức ảnh hoa tôi chụp. Khi cuốn sách này ra đời, tôi vẫn đang rong ruổi trên “Muôn dặm đường hoa”. Tôi đã lên kế hoạch từ rất lâu, để mùa thu năm nay đến được với Lễ hội hoa cúc nổi tiếng ở vùng rừng Đen, phía Tây Nam nước Đức.
Tôi sẽ không bao giờ xa rời hoa, vẫn sẽ tiếp tục vẽ chân dung những nàng hoa cá tính, cả quen và lạ. Mỗi bộ tranh hoa hàng năm của tôi sẽ phải khác biệt so với những bộ tranh tôi đã vẽ. Đó là tôn chỉ của tôi. Và tôi cũng tin rằng trên chặng đường sắp tới của tôi tới châu Âu, châu Mỹ, châu Á... thế giới của hoa sẽ vẫn là nguồn cảm hứng cho tôi hoàn tất những cuốn sách tiếp theo.
* Chị nổi tiếng với những bức tranh về hoa khổ lớn, vẽ cận cảnh “gương mặt hoa”. Với chị, hẳn đó là một cuộc chơi sắc màu và là cách vẽ để làm hoa… khác đi?
- Tôi vẽ hoa bằng sự trải nghiệm và thần thái của người từng có cuộc sống không suôn sẻ, trăn trở trong cuộc mưu sinh. Những bông hoa từ đời thực bước vào tranh của tôi có sự khúc xạ tự nhiên chứ không phải được trau chuốt bởi một người gồng mình lên vẽ. Tôi vẽ về cái cảm thấy chứ không phải cái nhìn thấy, người xem vẫn thấy dòng cảm xúc chảy tràn của cuộc đời, cuộc sống sôi động. Với tôi, sáng tạo trong hội họa là một quá trình “thiền” để tự giải thoát mọi cảm xúc với đích đến cuối cùng là đạt được sự tự do. Thế giới các loài hoa cho tôi phương tiện để hành thiền, tìm về với cội nguồn bản ngã của vạn vật và chính mình. Còn thế giới tranh trừu tượng cho tôi phương tiện diễn đạt một nửa còn lại của con người mình. Để mình được là chính mình.
* Theo chị, sáng tạo trong hội họa có phải đơn giản là tìm ra một chất liệu mới, chủ đề mới, hay còn điều gì khác?
- Sáng tạo, với tôi là một món quà mà trời đất dành cho tất cả mọi người. Chỉ có điều không phải ai cũng tự biết điều đó và biết tự đánh thức nó bằng những khả năng của mình. Vì thế mà người ta khác biệt. Với tôi, sáng tạo trong hội họa là một quá trình vượt qua chính mình, để mang lại những kết quả đáng ngạc nhiên.
* Xin trân trọng cảm ơn chị.