THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:01

Đi tìm cái hay, cái đẹp trong truyền thống báo nhân dân

 

Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại trong chuyến công tác Trường Sa.


I. Báo Nhân Dân và vai trò trực tiếp của Bác Hồ, của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị

Nhân 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, qua biên tập viên Thanh Nhung, Tổng Biên tập báo Lao động và Xã hội Nguyễn Thành Phong đặt tôi viết bài về báo Nhân Dân. Viết gì? Chỉ mỗi nhà báo Hoàng Tùng hay Thép Mới, Nguyễn Hữu Chỉnh, hay Phan Quang, Hữu Thọ; Thôi Hữu, Nguyễn Trọng Định cũng có thể viết cả một cuốn sách.

Quá khó. Nghĩ mãi một tuần vẫn chưa biết viết chuyện gì. Vả lại, tôi chỉ là cây cỏ lúp xúp giữa một vườn đại thụ, nghĩ mình chưa đủ tư cách viết về tờ  báo lớn nhất nước này. Định “kiếu”. Nhưng như thế lại phụ tình anh em, đồng nghiệp. Thôi thì biết gì viết nấy, có gì sai sót, có gì chưa tới thì mong các bậc cao minh và bạn đọc lượng thứ cho vậy!

Tôi về báo Nhân Dân năm 1982 và bây giờ vẫn còn được may mắn làm việc ở đó.Tại báo Nhân Dân, tôi đã học được nhiều bài học quý giá về nghề nghiệp, về đạo làm người từ những truyền thống của báo Đảng, từ tài năng và nhân cách của những cây bút lớn.

Báo Nhân Dân ra số đầu ngày 11/3/1951. Là cơ quan ngôn luận của Đảng, lịch sử của báo Nhân Dân, do đó có thể kể từ Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu, đó là tờ báo truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin và vận động cách mạng. Sau khi thành lập, Đảng ra tờ báo chính thức của mình là Tranh Đấu (15/8/1930), do đồng chí Trịnh Đình Cửu, nguyên Tổng Bí thư Đông Dương Cộng sản đảng, một trong bảy đại biểu người dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam phụ trách. Tháng 10/1930, cùng với đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng ra báo Cờ Vô Sản (1/1/1931) thay cho Tranh Đấu.

Vào thời kỳ Mặt trận Dân chủ, lợi dụng Luật của Pháp nếu ra báo tiếng Pháp thì không phải xin phép, năm 1937, Đảng ta cho ra báo L’Avant Garde (Tiền Phong) và Le Peuble (Dân Chúng, Nhân Dân) do Tổng Bí thư Hà Huy Tập trực tiếp phụ trách. Năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư, Đảng ta ra Dân Chúng bằng tiếng Việt, có số lên đến 1,5 vạn bản, do Tổng Bí thư chỉ đạo biên tập trực tiếp. Báo Giải Phóng năm 1939; Cứu Quốc, Cờ Giải Phóng năm 1942,  Sự Thật năm 1945 - những tờ báo chính thức của Đảng, tiền thân của báo Nhân Dân đều do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách và là cây bút chủ chốt. Bác Hồ cũng viết nhiều bài đăng trên báo Sự Thật với các bút danh X.Y.Z. A.G, L.T, T.L, Lê Nhân, C.B... Viết về chiến tranh có Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái.

Ngày 16/2/1951, một ngày giữa Đại hội lần thứ II của Đảng, Đại hội ra Nghị quyết thành lập  báo Nhân Dân, tờ báo kế tục sự nghiệp của báo Sự Thật. Nghị quyết chỉ rõ: Lấy tên báo là Nhân Dân, thể hiện ý chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Trong tám Ủy viên Ban Biên tập của báo Nhân Dân, có năm ủy viên là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh. Ba ủy viên khác là Trần Quang Huy, Hà Xuân Trường, Quang Đạm. Đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm báo. Về cộng tác viên, ngày 20-7-1951, Bộ Chính trị ra Nghị quyết yêu cầu: ”Ở mỗi Liên khu, kể cả đặc khu Hà Nội, cần có một cán bộ viết bài đều cho báo Nhân Dân do Thường vụ Liên Khu ủy chỉ định và giới thiệu với Trung ương (đến tháng 8-1951 phải xong); đồng chí đó phải là Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy, nếu là Bí thư càng hay”.

Từ chống Pháp đến chống Mỹ, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao nhất đều viết bài cho báo Nhân Dân. Bác Hồ còn giữ riêng một chuyên mục “Nói mà nghe”. Từ thập kỷ 80 về trước, tôi còn chứng kiến người ta xếp hàng mua báo Nhân Dân, đọc báo Nhân Dân được dán ở nơi công cộng.

Nhiều chục năm nay thì sao?

“Báo Nhân Dân mà nhân dân không đọc” - đó là lời nhiều đồng nghiệp thường nói để chỉ tình trạng sau này. Nhiều cán bộ, kể cả cán bộ trung, cao cấp của Đảng được phát báo mà ít đọc, xếp thành chồng cả tháng rồi đem bán giấy vụn. Tôi đã tận mắt nhìn thấy hiện tượng này ở nhiều nơi. Không phải báo không đáng đọc, không phải hiếm những bài hay; nhưng quả thật, cùng với sự chia sẻ bạn đọc vì các báo, bản thân  báo cũng bớt hay, bớt hấp dẫn so với trước.

Có nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương cũng phàn nàn về báo. Khi nghe điều này, tôi đã thẳng thắn phát biểu: Báo của Trung ương Đảng, nó chưa hay thì trước hết Trung ương phải chịu trách nhiệm. Tại sao các đồng chí Trung ương ít viết bài cho báo, thậm chí nói về báo Nhân Dân như thể mình đứng ngoài?

 Báo Nhân Dân từng có một truyền thống rất tốt đẹp, cho đến đồng chí Nguyễn Văn Linh, là  Tổng Bí thư, Bộ Chính trị không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo một cách trực tiếp đối với tờ báo, mà còn thường xuyên viết bài cho báo, từ việc nhỏ đến việc to. Tôi rất lấy làm tiếc là truyền thống đó chưa được tiếp nối xứng đáng. Đó là một nguyên nhân quan trọng làm cho báo bớt hay, bớt hấp dẫn. Những bài viết của lãnh tụ và lãnh đạo làm cho tờ báo có tầm vóc hơn, có tính đảng cao hơn và tác động trực tiếp, có hiệu quả tức thời đến đời sống. Tôi hy vọng các đồng chí lãnh đạo hiện nay học tập Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo trước đây trong việc viết bài và quan tâm đặc biệt hơn đối với báo Nhân Dân, tờ báo chính thống của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vì nó là Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

II. Lửa sáng, lòng trong, bút sắc

Muốn có tờ báo hay, trước hết phải có người Tổng Biên tập không chỉ giỏi quản lý mà phải giỏi nghề. Tổng biên tập có giỏi mới biết quý và dùng được người giỏi, bài hay; biết tạo ra cơ chế khuyến khích sáng tạo và duy trì sự sáng tạo đó một cách bền vững.

Báo Nhân Dân đã có những Tổng biên tập giỏi nghề, tiêu biểu là đồng chí Hoàng Tùng.

Tờ báo phải có nhà báo - chữ “nhà báo” được hiểu với nghĩa “y phục xứng kỳ đức”, không phải là người được cấp Thẻ Nhà báo. Đội ngũ làm báo Nhân Dân, như đã nói ở trên, trong nhiều thời kỳ, là những lãnh đạo cao cấp của Đảng, những chính khách nổi tiếng. Những phóng viên, biên tập viên lớp đầu, phần lớn đều có học vấn cao, vượt trội so với dân trí chung như Thép Mới (Hà Văn Lộc, sinh viên Luật); Thợ Rèn (Phạm Lê Văn,  sinh viên Y khoa)…; các họa sĩ nổi tiếng Mai Văn Hiến, Phan Kế An, Nguyễn Thọ, Hoàng Tuấn Nhã; các nhà văn Thôi Hữu, Như Phong, Nguyễn Văn Bổng, Bùi Hiển, Bạch Diệp, Gia Ninh… Lại có những người đến với nghề báo khi đã là Trưởng ty, Phó ty, Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy như Trần Minh Tân, Nguyễn Ứng Chiếm, Hữu Thọ… Họ rời bỏ chức vụ nhẹ nhàng để làm phóng viên trơn và cảm thấy vinh dự được làm người phóng viên báo Đảng. Các nhà báo miền Nam có Nguyễn Hữu Chỉnh, Hồ Dưỡng, Đặng Minh Phương, Hà Đăng, Phan Quang, Hồ Quốc..., đều trưởng thành ở báo Nhân Dân và ghi được tên mình vào lịch sử báo chí nước nhà.

Báo Nhân Dân có hai đợt lấy người đặc biệt. Đợt 1 vào năm 1958, chọn thanh niên, học sinh lớp 10 ở Hà Nội như Đỗ Quảng, Phạm Duy Phùng, Mai Hân, Mai Phong, Vũ Hạnh, Tân Thanh... Những người này đầu tiên đi phát hành báo Đảng, sau đó tùy năng lực để đào tạo và bố trí vào các ban chuyên môn. Đợt 2 vào năm 1968, chọn những học sinh giỏi tốt nghiệp lớp 10 ở Hà Nội và các tỉnh để đào tạo tại chỗ. Đây là sáng kiến của BBT báo Nhân Dân, trong đó có Quang Đạm. Lớp đại học báo chí này do Ban Tuyên huấn T.Ư, Báo Nhân Dân và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phối hợp tổ chức.   Bộ trưởng Bộ Đại học lúc đó là GS Tạ Quang Bửu, người có tầm nhìn xa, nên lớp này được đào tạo về báo chí, về văn học, về chính trị, về kinh tế một cách rất tổng hợp, bài bản. Giáo viên là các nhà báo nổi tiếng, giáo viên Trường Tuyên huấn, Trường Nguyễn Ái Quốc, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Lớp này có Trịnh Thị Kim Anh (Kim Anh), Phạm Thị Sửu (Phạm Hồ Thu), Phạm Thị Kim Dung (Kim Dung, Kỳ Duyên), Cao Việt Hòa, Nguyễn Hữu Vân, Vũ Kiểm, Nguyễn Duy Tiến, Lữ Duy Hanh... Đây là một mô hình đào tạo tuyệt vời, tiếc rằng nó không được tiếp tục.Một lực lượng đông đảo khác được tuyển chọn từ Đại học Tổng hợp Hà Nội như Phạm Thanh, Vũ Công Thạo, Trung Đông, Nguyễn Duy Lự (Hồng Vinh), Thế Long (Thế Văn), Nguyễn Văn Phú (Thu Thành), Phạm Đình Ân... và nhiều cây bút được đào tạo từ nước ngoài.

Tôi không thể nhớ hết, song có điều nhớ nhất là, cách lấy người cũng như những người tự nguyện đầu quân cho báo Nhân Dân hầu hết là những người có một tình yêu mãnh liệt đối với nghề báo, rực cháy lý tưởng; tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó máu thịt với đời sống nhân dân lao động. Trang viết và cuộc đời là một. Ngọn lửa lý tưởng và tinh thần vì nước quên thân ấy làm cho họ không bị sa ngã trước những cám dỗ, những thử thách khốc liệt của cuộc sống, biến họ thành những con người có cuộc đời cao đẹp, đáng tự hào.  Tôi cho rằng, vì muốn phục vụ, phục vụ một cách vô tư mà nhiều người giỏi nghề,  trở thành những tên tuổi lớn trong làng báo nước nhà. Nhà báo Hữu Thọ là một thí dụ tiêu biểu. Do điều kiện kháng chiến, ông không được học hành cao; ban đầu cũng chưa phải có năng khiếu báo chí đặc biệt nhưng yêu nghề, chịu khó học hỏi suốt đời, kể cả những phóng viên trẻ là cán bộ cấp dưới mà trở thành một Hữu Thọ sắc sảo.

Kháng chiến đã mặc nhiên tạo ra một thế hệ Nhà báo - Chiến sĩ, dấn thân vào chiến trường, coi được   hy sinh vì Tổ quốc là cao cả. Nhà báo, nhà thơ tài năng Thôi Hữu, tác giả của Lên Cấm Sơn “Ở đây những mặt buồn như đất/Bộ đội cười lên tươi như hoa” đã bị máy bay Pháp đuổi bắn hy sinh ở tuổi 29. Nguyễn Bá Quang (Quang Chính), 20 tuổi đã là Chính ủy Trung đoàn, năm 1948 được bổ nhiệm là Thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh. Năm 1951, được điều động làm phóng viên chiến tranh cho báo Nhân Dân, một tài năng nhiều mặt đang độ thăng hoa, đã bị trúng bom hy sinh ở tuổi 23 để lại tiếc thương vô hạn cho gia đình và tổ chức. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tứ, một người con Quảng Ngãi về báo năm 1962 và lập tức xung phong đi chiến trường, là một trong những nhà báo đầu tiên vào Nam và hy sinh năm 1967 trong tư thế người lính. Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội, Nguyễn Trọng Định, một người con Hà Nội được phân công về báo Nhân Dân. Nghe theo tiếng gọi chiến trường, anh vượt Trường Sơn vào Quảng Nam năm 1968 vào địa bàn ác liệt nhất, thời điểm ác liệt nhất. Những bài thơ, những bài báo và bút ký văn học lấp lánh tài năng còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bài viết cuối cùng của anh là “Trên quê hương Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi”, được chuyển ra Bắc theo đường giao liên, được đăng báo gây tiếng vang lớn, nhưng chính anh không đọc được nó. Sáng sớm 26/8/1968, tại Điện Phước, Điện Bàn, pháo giặc đã cướp đi một nhà báo xông xáo, một nhà văn đầy triển vọng. Nhà báo Nguyễn Huy, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh là một phóng viên nhiếp ảnh tầm cỡ, từng đoạt nhiều giải thưởng, có cả giải thưởng quốc tế khi nước ta còn ít thông thương với bên ngoài đã tình nguyện làm phóng viên chiến trường và đã hy sinh tại Quảng Trị năm 1968, khi mới 28 tuổi đời...

Đồng chí Đinh Thế Huynh khi là Tổng Biên tập báo Nhân Dân,từng tâm sự với tôi trong sự xúc động không kìm được về các liệt sĩ: “Đó mới là những công dân loại 1 thật sự, những Con Người viết hoa”!

Đầu năm 1974, những phóng viên trẻ báo Nhân Dân lại có một đợt vào chiến trường bổ sung cho Đài Phát thanh Giải phóng gồm Phạm Hồ Thu, Trịnh Kim Anh, Cao Việt Hòa … Ở Khu 5, ai cũng khiếp vì có 5 Đ: địch, đói, đèo, đau (sốt rét) và đỉa (vắt).  Khi đó, Hiệp định Pa-ri đã được ký kết. Hòa bình đã chạm mọi ngõ nhà, không ai không cảm nhận được. Những năm trước, cái chết bình thường. Thời điểm này không ít người đem sống chết  lên bàn cân. Nhưng người làm báo Nhân Dân, mà chủ yếu là thiếu nữ Hà Nội không một chút đắn đo. Sau này gặp các chị hỏi chuyện cũ, các chị lắc đầu: Ồ, chuyện nhỏ, có gì phải kể! Tôi biết các chị đã từng bị vây ráp, suýt chết mấy lần; còn gian khổ thì không thể kể hết!

Trong chiến tranh chống Mỹ, không chỉ miền Nam, mà miền Bắc cũng là chiến trường ác liệt, nhất là vùng Khu Bốn cũ. Bám trụ ở Quảng Bình, Vĩnh Linh có Nguyễn Sinh, Hồng Khanh, Hữu Thọ. Nguyễn Sinh có “Ký sự miền đất lửa” là một tác phẩm văn học có giá trị. Phạm Thanh, Lưu Thanh, Thanh Phong, Trung Đông, Đỗ Quảng, Hồng Vinh, Vũ Hạnh, Thế Văn... lăn lộn với Khu Bốn và các đơn vị bộ đội, chấp nhận hy sinh bất cứ ở nẻo đường nào.

Không chỉ phóng viên trẻ, nhà báo kỳ cựu Thép Mới, bạn thân của Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác; bản thân ông là một người lãnh đạo chủ chốt của báo, cũng bao phen xông pha lửa đạn, không giành cho mình một quyền ưu tiên nào. Quyền ưu tiên nếu có, đấy là ưu tiên đi chiến trường. Từng là cây bút xông pha ở Điện Biên Phủ, trong khói bom 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972 ở Hà Nội, đi B nhiều lần, là Tổng Biên tập báo Giải phóng, Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam… Cái gì có lợi cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước thì làm. Ông trở thành nhà văn trên tâm thế phụng sự ấy. Trung thu Độc lập, Cây tre Việt Nam là những áng văn lộng lẫy, làm đẹp mãi nước Việt và hồn người. Bản dịch Thép đã tôi thế đấy có sức cổ vũ tinh thần cộng sản của bao lớp thanh niên. Ông là người sáng tạo chuyên mục “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” trên báo Nhân Dân, từ đó cụm từ này trở nên phổ biến. Ông viết xã luận ngày 26/12/1972 “Hà Nội – thủ đô của phẩm giá con người”, tít bài báo này nhanh chóng trở thành một thành ngữ, một định danh khi nói về Hà Nội...

Từ làm báo Nhân Dân mà trở thành nhà văn hóa, cùng với Thép Mới, phải kể đến Quang Đạm, một nhà bách khoa; Phan Quang, người dịch “Nghìn lẻ một đêm” và khối tác phẩm văn học, báo chí đồ sộ. Có một người ít ai biết đến, ông chỉ làm ở thư viện thôi, nhưng nhiều người ở báo Nhân Dân, kể cả Tổng biên tập cũng hỏi đến ông khi gặp vấn đề khó hay một từ nước ngoài không biết, đó là cụ Phan Đăng Tài, em của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Ở báo Nhân Dân, nhiều người làm việc thầm lặng, nhưng đóng góp cho báo rất lớn. Bác Kiều Đệ, bác Ngô Thi, bác Lại Nguyên Huệ là một thí dụ khác...

Nếu tổng kết, hay có một đánh giá ngắn gọn về những người làm báo Nhân Dân, tôi nghĩ đó là Lửa sáng, lòng trong, bút sắc. Đây là một truyền thống tôi được thừa hưởng, được vững vàng kiên định, tự tin, trưởng thành phần nào cũng là  nhờ học tập phẩm chất ấy, ở  tấm gương của những người đi trước.

III. Sự nghiêm khắc nghề nghiệp

Phóng viên báo Nhân Dân được rèn luyện một cách nghiêm khắc, kỹ càng về chính trị và nghề nghiệp. Đây tôi chỉ kể vài chuyện về chữ nghĩa. Ở trên, tôi có dẫn một vài tên bài báo của Thép Mới đã thành thành ngữ. Hoàng Tùng và nhiều nhà báo khác cũng hết sức chú ý tu từ. Trước đây, mỗi sáng sớm, báo Nhân Dân thường treo báo lên ở phòng họp, soi lại từng bài, đặc biệt là bài của các đồng chí trong Ban biên tập, xem có gì hay thì để khen và học tập. Chữ nào dùng hay rồi, xem có từ nào dùng hay hơn không. Còn chữ nào sai, dở thì bị “đập” tơi bời. Đập là đập chữ nhưng người cũng lấy làm sợ và xấu hổ trước bàn dân thiên hạ. Mà chỗ này công bằng, không nể nả bất kỳ ai, anh to đầu bị phê nặng hơn.

Từ phải sang: Thuận Hữu, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh, Hà Đăng, Hữu Thọ, Thịnh Giang, Lê Quốc Khánh.

Đấy là một trường học. Phóng viên còn học được từ những lời phê của Tổng Biên tập. Xin hương hồn bác Hoàng Tùng tha cho, bác phê cũng “điêu” lắm, nhưng mà hay. Ai lại phê bài viết của một lãnh đạo là “Viết như cứt”. Lính Ban Thư ký lặng lẽ truyền nhau xem mà không dám kháo chuyện. Có Trưởng ban viết bài xã luận “Cần nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp”, bác cho ngay một gáo bên lề: “Trước hết cần nâng cao chất lượng sản phẩm này”! Có người viết bài “Phong trào đấu tranh của Phật giáo chống Mỹ Diệm”, đúng rồi, tưởng chẳng phê gì được, vậy mà bác sửa thành “Cửa từ bi nổi giận” thì thánh thật, ghê răng quá!

Nhà báo Hoàng Tùng không tự nhiên mà giỏi. Ông đọc sách kinh khủng. Khi tôi mới về báo, một thân một mình hay đến thư viện. Sách nào hay, sách nào mới mà có giá trị đều bị Hoàng Tùng mượn trước mất rồi! Nạn lười đọc sách không phải bây giờ mới có, mà có từ lâu, nhất là đối với cán bộ, với người đã thành danh. Đó cũng là biểu hiện của thói tự mãn. Bác Phạm Văn Đồng khi về báo Nhân Dân nói chuyện năm 1982, tôi nhớ nhất hai câu: Tiện nghi là cần thiết, nhưng hễ người ta có thêm cái gì, lại phải làm nô lệ cho nó; Mỗi nhà báo, nên đọc ít nhất một tuần 200 trang sách!

Nhờ đọc sách, nhờ nghiêm khắc trong chữ nghĩa mà Hoàng Tùng đã có những bài báo, những câu rất đáng nhớ: “Mở rộng chiến tranh là con đường chết của Mỹ” (ND, 23/3/1965); “Sự bối rối của một kẻ mạnh” (ND, 22/4/1967); “Một thế giới quá thừa phương tiện chiến tranh” (ND, 7/3/1992); “Người ta hơn nhau ở chí lớn, không phải bạc vàng” (Tiến lên với khí thế mới, ND, 2/2/1965); “Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính” (Tít xã luận ND, ngày 5/3/1979).

Ngày 17/2/1979, bọn cầm quyền phản động Trung Quốc huy động nhiều quân đoàn với hơn 50 vạn quân, nhiều xe tăng và máy bay, ồ ạt đánh sang nước ta trên toàn tuyến biên giới. Chúng bắn giết tất cả những gì chúng nhìn thấy, hãm hiếp phụ nữ, tàn sát trẻ em còn dã man hơn giặc Minh và thời trung cổ. Đó thật sự là một tội ác trời không dung đất không tha, khi nước ta vừa trải qua hai cuộc chiến tranh suốt 30 năm và vô cùng khốc liệt vì độc lập dân tộc, vì CNXH và cả loài người tiến bộ; khó khăn thiếu thốn mọi bề, tang thương chưa khô nước mắt trong mỗi gia đình. Ngày 18/2/1979, Hoàng Tùng đã có bài xã luận “Kiên quyết giáng trả bọn xâm lược dã man, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Xã luận báo Nhân Dân thời ấy được coi như sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Ngày ấy, tôi còn là một quân nhân, được điều động từ Nam ra Bắc, trực tiếp tham gia chiến đấu ở Lạng Sơn, Cao Bằng. Qua Đài Tiếng nói Việt Nam, qua báo Nhân Dân, chúng tôi lắng nghe những bài xã luận ấy như những lời hịch cứu nước; thấy rõ được tình hình và thái độ dứt khoát của chúng ta, nhanh chóng vượt qua cái phân vân ban đầu là vì sao một nước XHCN, một nước anh em láng giềng lại cất quân xâm lược nước ta: “Tiến công nước ta, những kẻ cầm quyền ở Trung Quốc lại đi theo con đường của các thế lực phong kiến đại Hán trước đây và bọn đế quốc thực dân. Những hậu quả của chính sách ngu xuẩn, phản động cực đoan ấy là không thể lường được đối với chúng. Dân tộc ta đã từng nghiến nát những đội quân xâm lược tàn bạo bọn phong kiến Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Mãn Thanh. Gần đây đã đập tan những đội quân xâm lược sừng sỏ của các thế lực đế quốc chủ nghĩa. Đụng đến Việt Nam là phải bị trừng phạt, trừng phạt đích đáng. Chớ có đùa giỡn với chiến tranh”!

Thời trước tôi không rõ lắm. Nhưng khi tôi về báo, những phóng viên mới không được khuyến khích viết tin bài mà được khuyến khích học nghề ở Ban Thư ký. Có viết tin cũng chỉ được ghi là PV (phóng viên).  Đến khi được ghi tên dưới bài, là coi như được thừa nhận. Có được bài đăng trên báo Nhân Dân, oách lắm, ai cũng nể trọng.

Thời tôi ở Ban Văn hóa Văn nghệ, dưới trướng Phó ban Hoàng Tuấn Nhã (một trí thức ở Pháp về nước), bảy lần trong một chiều đưa bài đi duyệt, bảy lần bị phá sản. Tổng Biên tập Hồng Hà có biệt danh “Dũng sĩ diệt bài” từ đó. Nhưng nếu bài bị phá sản, kể cả xã luận, thì Tổng Biên tập có thể viết bài thay thế. Mà viết nhanh lắm. Viết nhanh đến mức, nhất là Hồng Hà, chữ chỉ ngoằng một cái, nhưng đội ngũ đánh máy cũng rất giỏi, luận được hết. Mà trí nhớ của các ông ấy cũng tuyệt vời, lên xe rồi về nhà còn đọc thuộc, khảo lại từng đoạn, sửa từng từ. Người ta viết kỹ đến gần thuộc.

Do tôi luyện, nên phóng viên, biên tập viên ít mắc sai sót về chính trị, kỹ thuật. Ông Thép Mới là Phó Tổng Biên tập, thường bận những việc quan trọng, bài của ông, ông xem rất kỹ; bài người khác, ông bảo: “Tao ký nhưng chúng mày phải chịu trách nhiệm”. Thế nên, trình bài để ông duyệt, Ban Thư ký và các ban chuyên môn càng biên tập kỹ. Có những ông phóng viên như Chính Yên, theo bài tới tận nhà in, đến khi không sai một dấu phẩy, từng cái gạch nối mới thôi!

Hầu hết, các bài được chữa, nhất là cái tít, thì bài  hay hơn hẳn, ai cũng phải chịu. Khi bản thảo đã có chữ Tg (Tùng), cũng như Hà, Ha, Thọ… sau này thì trở thành pháp lệnh, không ai còn được động bút. Bị cắt hay sửa một chữ tâm đắc, một ý mới dù xót lắm nhưng cũng không dám kêu van. Giữa phóng viên và Tổng biên tập cách bức xa, nhiều người không dám gặp. Đấy là tự sợ mà xa. Mà sợ chuyên môn là chính. Có nhiều Trưởng ban, thậm chí Phó Tổng biên tập, viết bài chờ Hoàng Tùng duyệt, không dám hỏi thẳng, hỏi qua Ban Thư ký đã Tg chưa. Tg rồi thì mới dám về nhà,  nếu không bị bắt viết lại là bỏ xừ. Viết không kịp mà Tg về Đường Thành, tức nhà riêng thì càng ốm! Tuy nhiên, lãnh đạo báo Nhân Dân qua mọi thời đều rất dân chủ và liên tài. Có lần tôi lên thẳng TBT Hồng Hà thắc mắc về một cái tít. Bài đã duyệt các cấp rồi là: “Đánh chết, nết không chừa”. Nguyên văn của tôi là: “Đánh chết, nết bành trướng phải chừa”. Tôi xin lại tít cũ với lời giải thích rằng, để tính khẳng định được mạnh mẽ hơn; ông đồng ý ngay và hoan nghênh việc tìm tòi đặt tít cho mới, cho lạ, cho gần với lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nói là nói hạn chế cho ký tên đối với phóng viên trẻ, song không phải không mạnh dạn. Tôi có chuyến được tháp tùng Hoàng Tùng về dự kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Nguyễn Khuyến, ông khuyến khích tôi viết bài nghiên cứu về một nhà thơ cổ điển theo cách nhìn mới. Ông Hồng Hà và ông Thép Mới còn cho tôi viết, đăng cả trang A2, tức một trang báo ngày báo Nhân Dân một số bài bình luận văn học, tất nhiên là dưới sự chỉ đạo của các ông ấy. Những bài lớn như vậy đăng trên báo Nhân Dân - ở mọi lĩnh vực, trong thời ấy thường gây ra dư luận và định hướng dư luận.

Có một điều tôi không hiểu, hoặc có hiểu cũng không chính xác, không hết là các Tổng biên tập viết rất sáng tạo, tư tưởng rất mới. Báo cũng rất đổi mới, ví dụ đi đầu trong ủng hộ khoán trong nông nghiệp, tự chủ của doanh nghiệp; đi đầu trong việc chống tiêu cực (Những việc cần làm ngay); cho ra đời đặc san, ấn phẩm với thông tin đa chiều: Đặc san 30/4/1985; Nhân Dân chủ nhật; Nhân Dân điện tử, Nhân Dân hằng tháng; Thời nay); sớm đề xuất hạn chế tin hiếu hỉ, lễ tân; nhưng nhiều khi cũng không thoát khỏi sự bảo thủ, trì trệ. Văn phong trên báo nhiều khi rất sáo, rất khuôn thức. Có những từ, cụm từ như “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “dưới ánh sáng” cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu năm. Có những từ như “Thấy gì…” như một nạn dịch (giống như các báo dùng từ “vấn nạn” bây giờ mà không hiểu nghĩa của nó). Tôi đã từng viết bài thơ vui trong đó có câu  “Thấy gì” có thấy gì đâu/ Mà sao các báo đua nhau “Thấy gì”… Lại có cả sự máy móc không chịu được như đảm bảo phải chữa thành bảo đảm, bể phải sửa thành biển, ngàn phải chữa thành nghìn, vạn phải chữa thành mười nghìn. Cho nên đã có lần sinh ra cái lỗi, cái sai hơi lố “cần cẩu mười nghìn năng”!

Cái đó không phải lỗi của báo, của anh thư ký biên tập. Nhưng quy định chặt chẽ thì sinh ra máy móc; lệ thuộc và cực đoan tính chuẩn mực (chuẩn cũ) sẽ giảm bớt tính sáng tạo, sẽ không tạo ra sự đa dạng của phong cách. Có người nói quá lên rằng, đọc báo Nhân Dân, bài nào cũng như bài nào, tròn trịa, không sai, nhưng ít hay! Đấy là nói quá, nhưng trong sự nói quá ấy có một phần sự thật, nếu cầu thị sẽ thấy hạn chế để khắc phục!

Tôi và anh Thuận Hữu, Tổng Biên tập báo bây giờ là đồng môn ĐH Tổng hợp, về báo Nhân Dân gần như một lứa, cùng từng trải nhiều công việc, cùng làm thơ và nhiều cái cùng khác, được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của báo Nhân Dân, tâm huyết với báo. Anh Thuận Hữu là người trân trọng và biết khơi dậy khả năng sáng tạo của mỗi người, mỗi ban; luôn biết “xao lòng” trước cái đẹp.

Tôi hy vọng dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư và đồng chí Thường trực - những nhà lãnh đạo, nhà báo nổi tiếng; với sự quản lý của đồng chí; báo Nhân Dân sẽ là nơi kết tinh và thể hiện được trí tuệ, ý chí của dân tộc; để không chỉ là ngọn cờ tư tưởng trên mặt trận báo chí mà còn là một ngọn cờ văn hóa; xứng đáng với sự yêu mến, tin cậy của Đảng, của Dân, của anh em đồng nghiệp.

Riêng tôi, mỗi khi đặt bút viết, lại nhớ lời của bác Hoàng Tùng: “Làm báo à? Nói láo vừa thôi, không thì giấy trắng mực đen còn đấy. Hậu thế nó cho chết”.

15/6/2016

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh