THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:00

Đi tàu hỏa sẽ bị ép mua suất ăn như đi máy bay?

 
Theo kế hoạch, kể từ 1/1/2018, hai Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) thí điểm đưa suất ăn theo tiêu chuẩn hàng không lên tàu, thay cho việc nấu trên tàu như hiện nay.
Cụ thể, Sasco cung cấp suất ăn nấu sẵn đến các ga với giá đề xuất ban đầu: suất ăn chính 35.000 đồng/phần, suất ăn phụ 25.000 đồng/phần. Chi phí suất ăn sẽ được gộp vào giá vé tàu. Các suất ăn được lên tàu tại 3 đầu mối: Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội.
Theo chỉ đạo từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hai công ty này sẽ thí điểm trên tuyến Sài Gòn - Nha Trang, nếu thành công thì áp dụng rộng ra nhiều đoàn tàu khác. Nhưng sau khi tính toán lại thấy tuyến tàu này có quãng đường ngắn, khách ít ăn cơm nên phải chuyển sang tuyến Sài Gòn - Hà Nội trên các đôi tàu SE3/4 và SE5/6.
Trước đó, ngày 18/10, Văn phòng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông báo kết luận cuộc họp của ông Vũ Anh Minh giao Công ty VTĐS Sài Gòn và Hà Nội phối hợp với Sasco khẩn trương hoàn tất thủ tục, cải tạo nội thất toa xe, lắp đặt thiết bị để triển khai phục vụ suất ăn trên tàu kể từ ngày 1/1/2018.
 
Phục vụ ăn uống cho hành khách trên tàu: (ảnh: baogiaothong)
 
Việc đưa suất ăn lên tàu hỏa không phải bây giờ mới thực hiện, mà trước đây đã từng làm. Trước việc phục vụ cơm hộp (đưa vào giá vé) đã được triển khai rộng rãi trên các mác tàu khách tuyến Bắc - Nam. Ngành Đường sắt lúc đó có riêng nhà xưởng, thiết bị, vật tư để phục vụ ăn uống. Đồ ăn được chế biến tại xưởng. Cơm được nấu trên tàu. Trước khi phục vụ hành khách, nhân viên tổ phục vụ ăn uống sẽ làm nóng thức ăn và chia cơm, thức ăn vào các hộp nhựa. 
Được biết, mục tiêu đưa suất ăn vào giá vé hồi đó nhằm chống hàng rong trên tàu, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… Mặt khác, việc này cũng ổn định được doanh thu vì khi tàu xuất phát là biết được có bao nhiêu khách để chuẩn bị sẵn suất ăn đưa lên tàu. Tuy nhiên kế hoạch này đã không thành công do phản ánh của hành khách về chất lượng kém. Đến năm 2007, đường sắt quyết định chuyển sang phục vụ cơm suất tự chọn, nấu hoàn toàn trên tàu nhưng không thành công. 
Kế hoạch đưa suất ăn lên tàu ngay lập tức nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu chất lượng suất ăn hàng không lên tàu sẽ như thế nào?, bởi không phải bây giờ, mà trước đây, suất ăn trên tàu bị rất nhiều hành khách đánh giá là kém, không đạt chất lượng. Bây giờ triển khai lại liệu có đảm bảo hay chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?, 
Bên cạnh đó, việc gộp tiền ăn vào vé của ngành đường sắt có nên không? Khi hiện nay, thay vào việc gộp suất ăn vào thì ngành đường sắt có thể tổ chức bán suất ăn trực tiếp trên tàu để hành khách tự do lựa chọn. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng ngành đường sắt nên có hai loại vé tàu, vé bao gồm cả suất ăn hoặc vé không bao gồm suất ăn, vì ăn hay không là quyền của hành khách, tránh lãng phí khi hành khách không dùng vì không hợp khẩu vị, tăng tính cạnh tranh.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam  khẳng định, mục tiêu của việc đưa suất ăn hàng không lên tàu là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đem đến dịch vụ tốt nhất cho hành khách. “Mong muốn của đường sắt là đem chất lượng dịch vụ tốt nhất lên tàu. Tất nhiên, trước mắt mới chỉ thí điểm trên một số đoàn tàu với những hành trình phù hợp, không phải toàn tuyến, toàn bộ các đoàn tàu. Sau một thời gian sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm từ những phản hồi của hành khách ra sao. Nếu thực sự tốt mới nhân rộng”.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh