THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:30

“Di sản vô giá” của Réhahn tại Hà Nội

 

Xuyên suốt 35 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm, nhiếp ảnh gia Réhahn đã tái hiện cuộc sống của các dân tộc ở Việt Nam. Đó là những bức chân dung nổi tiếng của anh về hình ảnh cụ bà, trẻ con đại diện cho các dân tộc từ nhóm có hàng trăm ngàn người đến nhóm vài trăm người, như người Ơđu, Rơmăm. Trong hành trình đi sáng tác nghệ thuật để thực hiện được những bức chân dung độc đáo này, Réhahn cho biết, anh đã trải qua nhiều thử thách. Các nhân vật chụp trong ảnh đều mặc trang phục truyền thống, tất cả thể hiện phong tục tập quán và những kiến thức cổ xưa được truyền từ đời này sang đời khác, sự thách thức trong việc gìn giữ và niềm hy vọng những giá trị ấy sẽ sống mãi trong cộng đồng.

 

 

Réhahn cho biết, mục tiêu của anh là quảng bá hình ảnh các nhóm dân tộc Việt Nam đến bạn bè thế giới ngày càng rộng rãi hơn. Anh cũng mong rằng, thông qua 35 bức tranh đã được chọn lựa từ các nhóm dân tộc Việt Nam, công chúng yêu nhiếp ảnh sẽ theo chân anh đến những vùng đất hẻo lánh nằm rải rác khắp nơi trên đất nước Việt Nam, cùng nhau khám phá sự đa dạng của các dân tộc". Réhahn tin rằng “cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hoá của các dân tộc là thúc đẩy họ vươn ra bên ngoài, tạo cho họ niềm tự hào về những di sản và phong tục tập quán của cộng đồng. Đôi khi, chúng ta chỉ nhận ra những giá trị mình đang có qua cách nhìn  của người khác ". Đó cũng là động lực khiến anh sáng lập nên phòng tranh “Di sản vô giá” vào ngày 1/1/2017 tại Hội An. Réhanh mong muốn mọi người được tiếp cận tối đa với bản sắc văn hoá Việt Nam qua các câu chuyện đằng sau những bức ảnh chứ không đơn thuần là những gì nhìn thấy trong bức ảnh.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án này, Réhahn cho biết, sau chuyến đi đầu tiên của anh đến phía Bắc Việt Nam vào năm 2011 anh đã nảy ra ý tưởng này. Đó là những vùng đất rất ấn tượng, anh đã đến để gặp gỡ các nhóm dân tộc nhưng không thể tưởng tượng được rằng sẽ thấy được nhiều người mặc trang phục truyền thống của họ, sống trong những ngôi làng có kiến trúc cổ kính và trong số đó, một số vẫn còn nói tiếng thổ ngữ gốc và theo những phong tục cổ xưa. Và anh muốn giới thiệu cũng như bảo tồn sự đa dạng văn hóa này với tư cách là một nhiếp ảnh gia. Chính vì vậy, anh đã dành 6 năm vừa qua cho dự án này, và Réhahn cho biết, anh đã tìm gặp được 45 trên 54 dân tộc ở Việt Nam.

 

 

 PGS.TS. Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Trưng bày Di sản vô giá thêm một cơ hội để công chúng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của nhiều tộc người. Qua ống kính của  nhiếp ảnh gia người Pháp, các bức chân dung nổi tiếng được Réhahn thực hiện luôn ánh lên vẻ đẹp hồn hậu, tự nhiên, ngời sáng trong những bộ trang phục truyền thống mang đậm sắc màu của từng dân tộc, khiến người xem thích thú và tràn đầy niềm tự hào”. 

Có thể nói, bộ sưu tập ảnh “Di sản vô giá” sẽ góp phần nâng tầm vẻ đẹp và niềm tự hào của những cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo nên một bức khảm đẹp về con người Việt Nam. Trưng bày “Di sản vô giá” đón khách tham quan từ ngày 2/8 đến hết ngày 1/10, tại tầng 2 trong tòa nhà Trống đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. 

DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh