“Dị nhân” sông Mã!
- Văn hóa - Giải trí
- 16:48 - 30/12/2014
Biệt tài câu cá khủng
Đến nhà ông Lê Kim Hoa, sinh năm 1960, xã Hoằng Long (TP. Thanh Hóa) trong câu chuyện, nói về cái “duyên” gắn bó với nghiệp sông nước ông kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó có 4 anh chị em, ngay từ khi lọt lòng mẹ tôi đã không thể đi lại được trên chính đôi chân của mình. Học đến năm lớp 7 đành phải gác lại ước mơ tới trường vì đôi chân ngày một teo tóp không còn cử động được nữa. Buồn, chán không biết làm gì, theo đám bạn thuyền chài đôi bờ sông Mã tôi đánh liều dong thuyền thả câu. Trong một lần cá lớn cắn câu, cú giật mạnh kéo tôi lộn nhào xuống sông, phút giây sinh tử giữa dòng nước đục ngầu cuộn chảy tôi mới phát hiện ra rằng mình không thể chìm mà vẫn nổi. Cũng từ đó, cái nghiệp mưu sinh sông nước gắn với tôi suốt cả cuộc đời.
Ở trên bờ thì tôi đúng là một kẻ vô dụng vì chỉ làm bạn với xe lăn, đi lại khó khăn nhưng dưới sông tôi di chuyển nhẹ nhàng, nhanh thoăn thoắt như con rái cá. Chỉ cần lấy tay phe phẩy đẩy nước là có thể di chuyển. Ở khúc sông này có những vũng, hộc, luồng lạch nào tôi nắm rõ như lòng bàn tay; nhìn con nước, thời tiết là tôi có thể biết nơi nào có cá...”.
Thời gian rỗi ông cùng vợ đan lưới bán cho dân chài
Từ cái ngày biết mình có duyên với sông nước lúc nào ông Hoa cũng ở dưới sông, năm thì, mười mọa hay có công việc gì quan trọng lắm mới lên bờ. Lúc thì đi câu, khi nước xuống lại đi thả lưới. Không ít lần ông câu được những con cá vược “khủng” mà cánh ngư dân vùng này vẫn thường ví là “thủy quái” được ông chinh phục dễ dàng mà ngay cả những tay câu lành lặn cũng khó làm được. Nghề đi câu không chỉ mang đến hạnh phúc cho ông mà nó còn nuôi sống gia đình, chắp cánh cho 2 đứa con ông thành đạt nên người.
Ông Hoa nói: “Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình câu được một con cá vược nặng cỡ gần 20kg. Hôm đó, ở ngay chân cầu vào khoảng 1 giờ chiều, tôi buông cần lần cuối để chuẩn bị về vì nước sông bắt đầu rút. Bất ngờ cuộn cước trên mạn thuyền của tôi cứ lao đi vun vút, biết có cá lớn cắn câu, tôi liền cầm cuộn cước để khống chế con cá nhưng cú giật mạnh của cá khiến cho chiếc thuyền nhỏ tròng trành đẩy tôi lộn nhào xuống sông Mã. Con cá bị mắc câu hăng máu cứ thế lao đi kéo tôi về phía cửa bể đến vài km, lúc này ở trên bờ bà con làng xóm kéo ra đầy sông, ai cũng hồi hộp, lo lắng. Sau 2 giờ vật lộn bất thành con cá vược đành ngửa bụng nổi lên mặt nước, tôi được người dân gần đấy dong thuyền đưa cả người lẫn cá vào bờ. Hôm đó làng xóm kéo đến rất đông để xem, con cá dài gần 2m...
Lần khác, cách mấy năm sau tôi lại bị một con cá Vược lớn gần 40kg làm cho lật thuyền kéo lộn nhào xuống dòng nước. Vật lộn mãi cuối cùng con cá cũng phải khuất phục. Đây cũng là con cá lớn nhất trên sông Mã từng được đưa lên bờ..”
Giúp người chỉ bởi chữ tâm
Suốt hơn 40 năm vất vả mưu sinh sông nước, ông còn được biết đến với cái nghiệp “vớt xác, cứu người”. Mỗi năm ông cũng đưa vài ba người trở về từ cõi chết. Chừng ấy năm mưu sinh ông cũng chẳng nhớ hết nổi số lần vớt xác, cứu người, cũng chẳng bao giờ nghĩ sẽ trục lợi từ nghề vớt xác. Mỗi bận giăng câu, thả lưới hễ thấy người bị nạn, thấy tử thi là ông lại dong thuyền đưa vào bờ.
Hầu hết thi thể nằm dưới sông đã bị trương phình, phân hủy, bốc mùi...nhưng bằng cái tâm của mình, ông vẫn đưa những người xấu số vào bờ để thân nhân nhận diện đưa về mai táng. Người đến cảm ơn, hậu tạ ông không nhận bất cứ đồng nào, có chăng chút quà ông cũng dành phân phát hết cho mọi người.
Nhắc đến chuyện này ông bảo: “Người sông nước từng có lời nguyền kỵ nhất là vớt xác, cứu người bởi làm như vậy là cướp cơm Hà Bá. Ai mà trót làm vậy thì chỉ có nước bỏ nghề chài lưới không thì cũng bán mạng cho thần sông. Mình thì khác, nó như cái duyên nợ từ kiếp trước, thấy người chết đuối mà không giúp thì lương tâm day dứt khôn nguôi, thấy xác không vớt khi nó trôi ra biển thì chỉ có mất tích. Đó là lương tâm, là đạo lý sống làm người ở đời. Mỗi khi cứu một người, giúp một người tôi thấy lòng mình thật thanh thản...”
Biết bao lần cứu người, vớt xác nhưng có những chuyện khiến ông nhớ mãi. Ông kể: “Cách đây khoảng chừng 10 năm có một nhóm học sinh ra bãi bồi sông Mã chơi. Khi ấy tôi đang neo thuyền thả câu giữa dòng nước, nhìn thấy lũ trẻ níu tay nhau đang dần bị dòng nước cuốn đi, như một phản xạ tự nhiên tôi lao thuyền tới cứu. Sau một hồi vật lộn với dòng nước hung dữ tôi cũng chỉ cứu được có 4 cháu. Đứa nào cũng chỉ mới hơn 9, 10 tuổi đôi mắt thất thần, hoảng hốt. Người mừng, người khóc khiến tôi thấy day dứt khôn nguôi...
Ông Lê Kim Hoa cùng giấy khen về sự nỗ lực vượt khó đi lên phát triển kinh tế.
Lần khác, vào những ngày đầu đông dòng nước xanh, trong vắt. Cả một khúc sông bàn tán xôn xao câu chuyện một cô gái xinh đẹp nhảy cầu tự tử. Người thì trách cô gái trẻ người non dạ, người thì tiếc thương cho cô xinh đẹp nhưng yểu mệnh...
Đứng ở trên cao người ta có thể lờ mờ nhìn thấy hình dáng, vị trí nơi “hàm ếch” cô gái tử nạn nhưng tuyệt nhiên không một ai dám xuống đưa xác cô ấy lên. Đánh bạo tôi cũng lặn xuống thong dây vào người để người khác kéo xác. Do bị ngâm nước lâu nên nên cơ thể phình ra, gương mặt xinh đẹp bị biến dạng trông rất đáng sợ. Thi thể cô gái ám ảnh mấy tháng trời liền…”.
Sống trọn cuộc đời với dòng sông, từng bước nuôi con khôn lớn trưởng thành nên trong ông luôn trăn làm sao để cứu lấy con sông trước nguy cơ cạn kiệt. Ông Hoa chia sẻ: “Do tuổi cao nên các con tôi không cho đi nữa, chỉ thi thoảng xuống thuyền đi câu cho đỡ nhớ. Phần lớn thời gian tôi ở nhà làm lưỡi câu, đan lưới bán cho dân chài trong vùng. Với lại nạn đánh bắt cá bằng kích điện hoành hành nên tôm, cá không những hiếm mà còn bé đi. Người đi câu, nghề câu cũng từ đó thưa dần...”.